Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Danh hiệu vinh dự hiếm có "ngoài chuyên môn"
Vũ Thành An - "kiếm thủ" số 1 nội dung kiếm chém Đông Nam Á - lần thứ 3 liên tiếp nhận trọng trách rước Quốc kỳ Việt Nam tại lễ khai mạc SEA Games 31. Tại SEA Games 29 (năm 2017, Malaysia), SEA Games 30 (2019 Philippines), Thành An đã được trao trọng trách này.
Vũ Thành An từng giành HCV nội dung kiếm chém nam 3 kỳ SEA Games liên tiếp (2015, 2017, 2019). Tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà lần này, mục tiêu của anh không gì khác ngoài việc bảo vệ thành công ngôi vô địch nội dung sở trường này.
Đây là vinh dự mà chưa VĐV Việt Nam nào có được. Trước đó, tại lễ khai Olympic Rio de Janairo 2016 và Đại hội Thể thao châu Á-ASIDAD Indonesia 2018, tay kiếm sinh năm 1992 này cũng là VĐV cũng được trao vinh dự rước Quốc kỳ Việt Nam.
Hai lần dự SEA Games tại Việt Nam
Đó là VĐV cầu lông Việt Nam Nguyễn Tiến Minh và VĐV lặn Singapore Lim Yao Xiang.
"Tượng đài" cầu lông Nguyễn Tiến Minh, người từng tham dự kỳ SEA Games đầu tiên Việt Nam đăng cai vào năm 2003 (SEA Games 22) sẽ thi đấu kỳ Đại hội cuối cùng trong sự nghiệp cũng trên sân nhà.
Thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2002 ở tuổi 19, từng lọt vào tốp 5 bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông Thế giới năm 2010 (xếp hạng 4) nhưng "nỗi buồn" của tay vợt sinh năm 1983 này là chưa từng giành được ngôi vị cao nhất ở SEA Games.
Dù vậy Nguyễn Tiến Minh vẫn được đánh giá cao cho đến nay, không có VĐV trẻ nào ở Việt Nam đủ sức thay thế anh suốt 2 thập kỷ qua.
Tại SEA Games 31, VĐV môn lặn người Singapore Lim Yao Xiang cũng có lần thứ 2 dự SEA Games ở Việt Nam.
Lim Yao Xiang năm nay 39 tuổi, từng giành Huy chương Vàng môn lặn tại SEA Games 22. Sau đó, anh chuyển sang chơi… bóng nước. Vì thế anh đã rất ngạc nhiên khi được đề nghị tham gia thi đấu môn lặn tại SEA Games lần này.
Tại SEA Games 31 này, Lim Yao Xiang đăng ký thi đấu 2 nội dung, gồn lặn 50 m và 100 m vòi hơi chân vịt.
Đây là 2 VĐV được coi là những "gương mặt hiếm hoi" cùng dự 2 kỳ SEA Games ở Việt Nam.
Những 'ngôi sao' lần đầu tiên tranh tài ở SEA Games
Mohd Rizzua Haizad, ngôi sao chạy 110 m vượt rào hàng đầu của Malaysia có lần đầu tiên thi đấu chính thức ở đấu trường SEA Games tại Việt Nam.
Năm nay 25 tuổi nhưng Mohd Rizzua Haizad đã ghi dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình khi "xô đổ" kỷ lục quốc gia Malaysia (14 giây 60) tồn tại từ năm 1962 của "huyền thoại" Malaysia Bala Ditta (sinh năm 1937), với thành tích 14 giây 13.
Anh là nhân tố hứa hẹn gây bùng nổ của điền kinh Malaysia ở nội dung 110 m vượt rào tại SEA Games 31.
Tương tự, một VĐV khác của Malaysia cũng có lần đầu tiên dự SEA Games. Đó là Iman Syuhada Abdullah, nữ VĐV quần vợt năm nay mới 16 tuổi.
Những người "cao nhất"
Thật thú vị là tại SEA Games 31 lần này, môn bóng chuyền nữ góp mặt 5 VĐV có chiều cao được gọi vui là "khủng long" ra sân thi đấu. Không chỉ sở hữu chiều cao vượt trội, họ còn là những VĐV hàng đầu của bóng chuyền nữ Đông Nam Á.
Dẫn đầu tốp 5 là Alyja Daphne Santiago của Đội tuyển Bóng chuyền nữ Philippines với chiều cao 1m95.
Alyja năm nay 26 tuổi, là VĐV hoàn hảo, chơi tốt ở cả vị trí phụ công lẫn chủ công. Mùa giải vừa qua, Alyja được vinh danh là "VĐV chắn bóng Xuất sắc nhất" khi ghi tới 100 điểm chắn bóng trong 120 set đấu.
Vị trí thứ 2 thuộc về Trần Thị Thanh Thúy (Việt Nam). Chủ công số 1 của bóng chuyền nữ Việt Nam sở hữu chiều cao 1m93. Năm nay 24 tuổi, Đội trưởng Thanh Thúy là một trong những niềm hy vọng lớn nhất trong hành trình trước hết là bảo vệ thành công tấm Huy chương Bạc bóng chuyền nữ nước chủ nhà tại SEA Games 31.
Người có chiều cao thứ 3 trong tốp 5 là Dell Palomata của Philippines. Nữ VĐV sinh năm 1995 này cao 1m91 thi đấu ở vị trí phụ công. Cùng với Dell Palomata, bóng chuyền nữ Philippines còn có 1 phụ công nữa cao 1m90. Với 2 tay chắn cao như vậy, họ sẽ là đối thủ đáng gờm của các đội bóng khác.
Vị trí thứ 4 là VĐV Việt Nam Nguyễn Thị Bích Tuyền. Cô gái sinh năm 2000 quê Vĩnh Long này cao 1m88 và được xem là hiện tượng hiếm có của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Chơi ở vị trí phụ công, Bích Tuyền có sức bật "cực khủng" lên tới 3m15, mức bật cao nhất trong số các VĐV bóng chuyền nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ sải tay dài, cô cũng là người có những pha tấn công trên lưới hoặc từ vạch 3 m "sấm sét" không kém gì các VĐV nam. Chính vì vậy, Bích Tuyền được gọi vui là "vua giội bom" trong các trận đấu.
Trong tốp 5 này, "người thấp nhất" là Thatdao Nuekjang khi chỉ cao… 1m86.
VĐV người Thái Lan này không chỉ xuất sắc với những pha ghi điểm tốc độ trên lưới mà còn là tay chắn số 1 của Đội tuyển Bóng chuyền nữ Thái Lan. Cô được coi là một trong những VĐV hoàn hảo nhất của khu vực Đông Nam Á nhờ sự nhanh nhẹn, lối đánh linh hoạt cùng khả năng bám chắn tuyệt vời.
SEA Games 31 thi đấu chính thức từ ngày 12-23/5 với 40 môn thể thao (526 nội dung thi đấu). Đây là kỳ SEA Games thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức sau lần đầu tiên vào năm 2003-SEA Games 22.
BT