Đây là nội dung được trao đổi tại Diễn đàn "Báo chí và DN đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc" lần thứ Hai - năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 24/10 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, DN, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng đóng góp quan trọng vào việc thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cũng như xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.
Để hỗ trợ, động viên đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VCCI nhận thấy ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, DN, thổi bùng lên khát vọng đưa nước ta bước sang "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng.
Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, cũng nêu yêu cầu các cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, phản ánh khách quan, trung thực diễn biến, tình hình và công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo tinh thần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo khí thế mới, động lực mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội nhà báo, Tổng Biên tập Báo Nhân dân phân tích: Chủ đề Diễn đàn năm nay – "Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và DN trên báo chí" – rất thiết thực vào trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới biến động nhanh, có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi phải hiểu đúng, truyền thông đúng, kịp thời, chính xác và toàn diện. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội tác động không nhỏ đến việc truyền thông thông tin kinh tế, và đặc biệt là dẫn đến những thay đổi trong thị hiếu, phương thức tiếp cận thông tin của công chúng.
Tuy nhiên, đại diện Hội nhà báo nhận định: Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Vấn có tình trạng báo chí gây nhũng nhiễu, khó khăn cho DN, còn những đơn vị báo chí gây ra những "bê bối" phải xử lý nghiêm.
Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít DN dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí "bỏ quên" báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, thì chính DN sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ông Lê Quốc Minh cho rằng, cần chú trọng việc đưa các tin bài chuyên sâu, xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng để thuận lợi cho việc tìm kiếm, kết nối DN, mang lại cảm hứng cho xã hội.
"Báo chí và DN cần hợp tác và phối hợp với nhau để tìm ra những phương thức kết nối, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm thuyết phục DN dành một phần chi phí thỏa đáng đưa quảng cáo lên hệ thống báo chí chính thống. Đây cũng là một phần trách nhiệm để góp phần nuôi dưỡng, chung tay phát triển nền báo chí nước nhà" – ông Lê Quốc Minh nói.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Từ nhiều năm nay, đội ngũ báo chí vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh trong một tình hình kinh tế mỗi lúc một khó khăn, khi mô hình kinh doanh cũ của báo chí đang có nhiều thay đổi.
Trong hành trình cùng phục vụ xã hội và người dân, lợi ích của báo chí và DN không song trùng và xung đột, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận người đọc và làm mối quan hệ không được xây dựng trên cơ sở trong sáng và minh bạch.
Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định, để báo chí và DN cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí – DN trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.
Báo chí và DN cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao.
"Hai bên phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại cho nhau những giá trị bằng những phương thức hợp tác khác, không thể chỉ là mối quan hệ 'làm phiền đến nhau'" , ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Để nâng cao năng lực báo chí, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất 4 giải pháp bao gồm: đào tạo bài bản, mỗi cơ quan báo chí cần nhà báo kinh tế vững, có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt; hợp tác quốc tế những tờ báo kinh tế lớn trên thế giới và Việt Nam đều mời chuyên gia nước ngoài, gửi nhà báo đào tạo ở nước ngoài; xây dựng cộng đồng, tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà báo kinh tế, kết nối các nhà báo kinh tế với DN và đầu tư công nghệ, trang bị công cụ hiện đại hỗ trợ công việc của nhà báo.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh cho biết: Một số DN cho biết, trong quá trình làm việc, họ thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều tờ báo không chính thống, đặc biệt là các cộng tác viên làm việc cho báo. Nhiều khi, việc liên hệ với các DN không chỉ dừng lại ở việc đưa tin hay chia sẻ thông tin mà kèm theo đó là những yêu cầu tài chính từ phía báo chí.
Điều này khiến DN cảm thấy e ngại và phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định hợp tác.
"Trong khi DN có nhu cầu đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông để quảng bá hình ảnh hoặc phản hồi trước các vấn đề liên quan, họ lại phải đối mặt với khó khăn trong việc lựa chọn tờ báo phù hợp. Nhiều DN cảm thấy phiền trước việc bị các tờ báo liên hệ quá nhiều và cách làm việc thiếu chuyên nghiệp", ông Phạm Văn Thể phản ánh.
"Mong muốn từ phía DN là có được mối quan hệ hợp tác minh bạch, lành mạnh với các cơ quan báo chí. DN cảm thấy thoải mái, gần gũi và không bị đặt vào tình thế khó xử vì các yêu cầu tài chính không cần thiết. Việc đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quá trình tác nghiệp sẽ giúp tạo dựng được niềm tin từ phía DN, đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả", ông Phạm Văn Thể chia sẻ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, DN và phát triển môi trường kinh doanh bền vững. Chương trình nhằm khích lệ, động viên những người làm báo đồng hành, chia sẻ trong xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của các DN và kinh tế đất nước.
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới", trong đó có nêu vấn đề "Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam". Điều này khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò quan trọng của báo chí trong phát triển đội ngũ doanh nhân, DN và phát triển kinh tế đất nước. Diễn đàn chính là hoạt động thiết thực góp phần vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Anh Minh