Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận về xây dựng văn hóa truyền thông, báo chí và văn hóa kinh doanh, các giải pháp tăng cường sự hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Diễn đàn hội tụ 2 lực lượng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đó là doanh nghiệp - lực lượng tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế, đóng góp an sinh xã hội và báo chí - vũ khí sắc bén, là những chiến sỹ trên mặt trận tuyên truyền văn hoá tư tưởng của Đảng, chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, trong đó có những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp.
Xét trên bình diện chung, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định, mối quan hệ gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng nhau giữa báo chí và doanh nghiệp qua nhiều năm tháng luôn là mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, lúc này lúc khác, mối quan hệ giữa một cơ quan báo chí và doanh nghiệp, giữa phóng viên với doanh nhân có một số điều phiền lòng, cả hai bên còn có một số điều cần thực hiện tốt hơn.
Nếu doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh thì người làm báo và các cơ quan báo chí có văn hoá báo chí. Doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh, các cơ quan báo chí có đạo đức báo chí. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn trên tinh thần cùng chia sẻ tầm nhìn, mối quan hệ này sẽ lành mạnh hơn nữa, đem đến những cơ hội thiết thực cho những lực lượng đại diện cho nguồn lực phát triển của xã hội, đất nước.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa phản ánh tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh.
Theo Chủ tịch VCCI, một bài báo có thể thúc đẩy thành công của doanh nghiệp, lan toả khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, là nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, làm tốt nhiệm vụ quản lý báo chí, đồng thời, cung cấp thông tin công khai đầy đủ để doanh nghiệp và xã hội hiểu thêm về báo chí, về các phương thức vận hành của báo chí, các vấn đề nội tại của báo chí.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn lắng nghe ý kiến, đóng góp tâm huyết để cùng xây dựng tương lai hợp tác phát triển chung. Đồng thời, trên cơ sở chương trình phối hợp được ký kết, mỗi cơ quan có chương trình hành động cụ thể, mang lại hiệu quả trong thực tiễn vì lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, báo chí và xã hội.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp chưa bao giờ là cần thiết và cần thắt chặt như hiện nay. Nhiệm vụ của báo chí là kênh thông tin chính xác, tạo chiều sâu và nêu lên những bất cập của đời sống kinh tế xã hội. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động cung cấp thông tin chính xác, phối hợp truyền thông chính thống, thay vì né tránh cơ quan báo chí.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư BĐS Toàn Cầu (GP Invest) phân tích, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ hữu cơ, báo chí cần doanh nghiệp để có tiếng nói từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp cũng thật sự cần báo chí để gửi gắm tâm tư của mình. Ông Hiệp cũng cho biết, trong giai đoạn vừa qua báo chí phát triển rất mạnh và đạt được chiều sâu đáng kinh ngạc, đặc biệt ở khía cạnh xây dựng luật pháp.
"Hiện chúng ta đã cải cách luật pháp, các báo có những góp ý xây dựng luật pháp với những bài viết rất chuẩn xác và sâu sắc thể hiện sự hiểu biết của phóng viên. Thời gian tới báo chí cần tiếp tục đồng hành để doanh nghiệp có tiếng nói hơn trong quá trình góp ý xây dựng chính sách", ông Nguyễn Quốc Hiệp gợi ý.
Dưới góc độ DN ở địa phương, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Bên cạnh những cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép thì vẫn còn những cơ quan báo chí chưa nghiêm túc thực hiện theo tôn chỉ, mục đích, gây khó cho doanh nghiệp.
Không ít các thông tin được thực hiện còn thiếu sự khách quan, đa chiều, thiếu sự tương tác với doanh nghiệp về các vấn đề được phản ánh, dẫn đến việc doanh nghiệp mất lòng tin vào các cơ quan báo chí.
"Vì vậy, thông qua Diễn đàn này, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý báo chí nghiên cứu đưa ra các quy định, thắt chặt hơn nữa hoạt động, đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép", ông Nguyễn Hữu Thập góp ý.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công kỳ vọng, thông qua chương trình ký kết hợp tác, với sự chung tay, góp sức của 4 cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng với giới báo chí – truyền thông sẽ cùng nhau bắt đầu giai đoạn đồng hành, hợp tác mới, hai bên cùng thành công và có những đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu lớn: Đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc, như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Huy Thắng