Thư ngỏ của Tổng cục Thuế cho biết, ngày 8/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu EUR trở lên (Quy định thuế tối thiểu toàn cầu).
Hiện nay, các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng Quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thuế bổ sung, trong đó có các quốc gia và vùng lãnh thổ đang có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore....
Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài tương tự như Việt Nam cũng đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó, đồng thời nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng của Quy định thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới.
Trường hợp Việt Nam không áp dụng Quy định thuế tối thiểu toàn cầu thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu và có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam hoặc công ty thành viên của Tập đoàn Việt Nam tại nước ngoài (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%.
Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, Tổng cục Thuế đang trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết dự kiến áp dụng hai quy định về thu thuế bổ sung theo hướng dẫn của OECD:
Thứ nhất, quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) áp dụng cho công ty thành viên hoặc tập hợp các công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính (bao gồm công ty thành viên tại Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia có công ty mẹ ở nước ngoài và các công ty thành viên tại Việt Nam của tập đoàn đa quốc gia có công ty mẹ ở Việt Nam).
Thứ hai, quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam của tập đoàn đa quốc gia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu công ty thành viên chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính.
Số thuế phải nộp bổ sung theo các quy định nêu trên được xác định theo hướng dẫn tại Bộ quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của Diễn đàn hợp tác về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.
Theo Tổng cục Thuế, nghị quyết này dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024, sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng.
Vì vậy, để đảm bảo triển khai có hiệu quả quy định thuế tối thiểu toàn cầu, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp, tránh các sai sót trong quá trình kê khai và nộp thuế theo quy định, Tổng cục Thuế khuyến khích doanh nghiệp trao đổi, làm việc với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cung cấp thông tin cụ thể về doanh nghiệp.
Với mô hình hoạt động và sở hữu của tập đoàn: Đối với các công ty thuộc tập đoàn có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài thì thông tin về tên công ty mẹ tối cao, quốc gia công ty mẹ tối cao, các công ty thành viên khác cùng tập đoàn tại Việt Nam; đối với các công ty thuộc tập đoàn có công ty mẹ tối cao tại Việt Nam thì cung cấp thông tin về các quốc gia tập đoàn có hoạt động đầu tư, các công ty thành viên tại từng quốc gia, tỷ lệ vốn sở hữu tại từng công ty thành viên.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin về chuẩn mực kế toán tài chính đang áp dụng; các chỉ tiêu doanh thu, thu nhập, số thuế phải nộp, giá trị tài sản hữu hình, tiền lương…, cần thiết để ước tính tác động của Quy định thuế tối thiểu toàn cầu.
Khánh Linh