In bài viết

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhiều giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương rất lớn trong tổng thể đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

07/11/2023 18:30
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: Nhiều giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết rất chú trọng việc tuyên truyền, vận động người lao động vùng dân tộc thiểu số đi làm việc nước ngoài - Ảnh: VGP/Nhạt Bắc

Tiếp tục nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 7/11, Quốc hội tiến hành chất vấn về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài

Đặt câu hỏi chất vấn về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, đại biểu Đinh Văn Thê (Đoàn Gia Lai) nêu: Theo số liệu báo cáo của Chính phủ, có 5% số lao động là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài trong tổng số 142.799 lao động cả nước hiện nay. Đề nghị Bộ trưởng LĐTB&XH làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc đưa lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài?

Trong đó, theo đại biểu để nâng cao tỷ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài nhằm tìm kiếm, khai thác ngành nghề, thị trường lao động nước ngoài phù hợp với điều kiện của người dân tộc thiểu số, đề nghị Bộ trưởng cho biết cần có những giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới? Đặc biệt là công tác tuyên truyền đào tạo, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia làm việc, lao động ở nước ngoài.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây là chủ trương rất lớn trong tổng thể đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hiện chúng ta đã có những chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, trong Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã dành một chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động nước ngoài, được miễn phí các chế độ chính sách bao gồm học nghề, ngoại ngữ...

Ngoài ra, Bộ cũng có một kênh riêng để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ đối tượng này. Việt Nam đã ký với JM Japan chương trình phi lợi nhuận dân tộc thiểu số đi làm việc ở đây. Tuy nhiên, số người ở đồng bào dân tộc thiểu số đi theo chương trình này không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền, vận động và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nên nhiều trường hợp đi nước ngoài rồi nhưng buồn, nhớ nhà nên phải quay về.

Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH nhận thức được vấn đề trên, "vừa dạy, vừa dỗ" và khuyên nhủ. Với người Kinh sẽ bố trí từng em làm việc cho các doanh nghiệp khác nhau, còn lao động là dân tộc thiểu số phải bố trí 2-3 em gần nhau có thể tâm sự, chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, vừa qua, đã tổ chức hội nghị vùng dân tộc thiểu số như Tây Nguyên, Tây Bắc, nhưng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Bộ cũng rất chú trọng việc tuyên truyền, vận động người lao động vùng này đi làm việc nước ngoài. Bởi, một em dân tộc thiểu số đi sau khi về thay đổi tập quán tư duy, tập quán, nguồn lực, phát huy tốt.

Đề xuất các ưu tiên cho lao động nữ sau đại dịch COVID-19

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) phát biểu chất vấn: "Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, đại biểu có chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH về những giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, báo cáo thực hiện Nghị quyết giám sát của Chính phủ chưa đề cập đến nội dung này.

"Trong bối cảnh chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều mục tiêu trong chiến lược còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nội dung chất vấn trên đã được giải quyết như thế nào?", đại biểu Nguyễn Minh Tâm chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay thời gian vừa qua, tỷ lệ lao động nữ tại các khu công nghiệp, các lĩnh vực thâm dụng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành giày da, dệt may. Sau phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng đề án và đã trình với Thủ tướng về hỗ trợ trong chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đề xuất các ưu tiên trong nghiên cứu khoa học, vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Thủ tướng đã làm việc với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đề nghị xây dựng đề án hỗ trợ đối tượng là lao động nữ lập nghiệp. Đồng thời, giao Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn vốn riêng hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp và lập nghiệp.

Hải Liên