In bài viết

Bộ trưởng Lê Thành Long: 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác THADS của TPHCM năm 2024

(Chinhphu.vn) - Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Hội nghị thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Thi hành án dân sự, Thi hành án hành chính năm 2024 của Cục Thi hành án TPHCM, chiều 4/1.

04/01/2024 19:26
Bộ trưởng Lê Thành Long: 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác THADS của TPHCM năm 2024- Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, chiều 04/1 - Ảnh: VGP/LS

Nhiều kết quả, nỗ lực đạt được của cơ quan THADS TPHCM

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ, ngành Tư pháp và Hệ thống THADS đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực công tác, được được Quốc hội, Chính phủ đánh giá, ghi nhận. Trong đó nổi bật như: Toàn hệ thống đã tổ chức thi hành xong gần 6 trăm nghìn việc tương ứng với số tiền gần 90 nghìn tỷ đồng; công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, thu hồi được trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4.400 tỷ đồng so với năm 2022. Để đạt được kết quả đó có sự đóng góp tích cực của các cơ quan THADS Thành phố.

Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh: TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, "đầu tàu" phát triển KT-XH của cả nước. Trong lĩnh vực THADS, TPHCM luôn đứng đầu cả nước về số việc và số tiền phải thi hành hàng năm. Do đó, công tác THADS trên địa bàn Thành phố luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thành ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo THADS và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan của TPHCM.

Theo đó, người đứng đầu ngành Tư pháp biểu dương những nỗ lực, kết quả công tác mà Cơ quan THADS TP HCM đã đạt được, đồng thời, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ, công chức THADS. Đồng thời, cũng trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ban, ngành liên quan đối với công tác THADS trong thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng lưu ý, công tác THADS trên địa bàn thành phố cần khắc phục các tồn tại, hạn chế như số việc và số tiền chuyển kỳ sau tương đối lớn (trên 47 nghìn việc và trên 100 nghìn tỷ đồng). Kết quả giải quyết án tín dụng, ngân hàng còn thấp, mới thi hành xong gần 3.600 tỷ đồng trong tổng số gần 25.000 tỷ đồng; số vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản còn cao (33 vụ/116 việc, chiếm tỷ lệ 28,45%).

Kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ tại một số cơ quan THADS còn chưa nghiêm; một số thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan THADS công tác quản lý, điều hành chưa thật sự sâu sát, quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ nên vẫn còn những trường hợp sai sót, vi phạm, bị xem xét xử lý. Việc phối hợp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong công tác bố trí mặt bằng, đất đai để triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 còn chậm, ảnh hướng tiến độ và kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ, ngành.

Bộ trưởng cho rằng, năm 2024 tình hình KT-XH còn nhiều khó khăn, thách thức; yêu cầu của Đảng, nhà nước và nhân dân đặt ra đối với công tác THADS ngày càng cao, nhất là trong bối cảnh tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tòa án sẽ tiếp tục xét xử một số đại án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (như vụ Vạn Thịnh Phát, AIC, Tân Hoàng Minh...). Đây là thách thức rất lớn với các cơ quan THADS TPHCM trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024.

7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu cán bộ, công chức THADS Thành phố cần tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Thành ủy, UBND Thành phố liên quan đến công tác THADS. Tập trung nguồn lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về việc và về tiền, đặc biệt là, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, án tín dụng, ngân hàng, nhất là các vụ việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Chỉ đạo quyết liệt tổ chức thi hành dứt điểm những việc có điều kiện thi hành.

Thứ hai, chủ động, tham gia tích cực vào việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đề xuất sửa đổi Luật THADS và các văn bản pháp pháp luật liên quan bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về công tác THADS, THAHC.

Triển khai thực hiện nghiêm quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đến từng công chức, người lao động. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán.

Thứ ba, lãnh đạo Cục và các Chi cục trưởng Chi cục THADS phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đơn vị; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, nhất là các khâu dễ xảy ra sai sót, tiêu cực (như thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA…). Quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo vượt cấp; chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong các mặt công tác THADS, xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ. Chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp, Tổng cục THADS để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp nhằm nâng cao kết quả thi hành án.

Thứ năm, chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tập trung ưu tiên những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chủ động báo cáo, đề xuất, tham mưu cho Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS các giải pháp đảm bảo nguồn lực cần thiết để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, đề nghị UBND Thành phố, Ban chỉ đạo THADS các cấp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan Công an, TN&MT, Tài chính và các ban, sở, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THADS, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư; tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, bố trí đất đai, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng Trụ sở cơ quan THADS trên địa bàn Thành phố.

Thứ bảy, về phía Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với công tác THADS TPHCM, kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS trên địa bàn.

Báo cáo của Cục THADS Thành phố cho thấy, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 55.000 việc, tương ứng với gần 38 nghìn tỷ đồng, (chiếm khoảng 42% lượng tiền thi hành xong của toàn Hệ thống). Đặc biệt, kết quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt gần 18.000 tỷ đồng. 

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được đổi mới theo hướng quyết liệt, sát sao với nhiều giải pháp hiệu quả, từng bước khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong các giai đoạn trước đây; công tác xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ công chức các cơ quan THADS trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, củng cố, kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành án hành chính được tập trung triển khai thực hiện, đã thi hành xong 110 bản án, quyết định THAHC, tăng cao so với năm 2022 (năm 2022 thi hành xong 47 bản án, quyết định).

Lê Sơn