Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trả lời chất vấn của đại biểu về chậm thi hành án hành chính nhưng đến nay chưa có trường hợp nào là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền bị xử lý do chậm hoặc không thi hành án hành chính của đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận thi hành án hành chính làm chưa tốt lắm.
Số liệu năm 2021 tổng số bản án thụ lý chuyển từ trước sang mới thi hành xong trên toàn quốc là 455/944, đạt tỷ lệ 48,1%. Năm 2022 là 429/992, đạt tỷ lệ 43,2%. Năm 2023 là 582/1.375, cho đến bây giờ đạt 42,3%. Qua đấy cho thấy số lượng bản án hành chính trong năm 2023 tăng lên một cách đột xuất và rất lớn về số lượng.
Chỉ rõ nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó tính tích cực, chủ động của các cơ quan hành chính ở các cấp là vấn đề cần phải tiếp tục đôn đốc. Bên cạnh đó, số lượng án tăng lên nhiều và thường liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, đất đai v.v.
Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện khá nhiều các biện pháp đôn đốc của cả Trung ương lẫn địa phương, từ Nghị quyết của Chính phủ đến các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, cùng với những biện pháp đã và đang thực hiện, Bộ Tư pháp tiếp tục có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai và liên tục hơn những địa phương chưa thi hành án hành chính. Đồng thời, tập trung làm việc trực tiếp và nhiều hơn nữa với các địa phương có án hành chính lớn chưa thực hiện được, trong đó có một số tỉnh phía Nam.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, sẽ xem xét và đề xuất về mặt pháp luật như mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử các vụ án hành chính, mở rộng đối tượng ủy quyền trong tố tụng hành chính hoặc bổ sung các chế tài như một số nước thực hiện đối với các cơ quan hành chính nhà nước mà không thực hiện các bản án.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) chất vấn: Tại sao nhiều doanh nghiệp sai phạm hay làm chậm thì bị xử phạt nghiêm, nhưng các cơ quan chậm ban hành hướng dẫn hay ban hành văn bản không khả thi thì chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh, dù tác động rất lớn đến người dân và doanh nghiệp? "Bộ trưởng có quan điểm và giải pháp gì về vấn đề này?", đại biểu Bảo Trân đặt câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết là việc đã có từ lâu. Bộ đã cố gắng có nhiều giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để. Năm 2023, Bộ Tư pháp thống kê còn 12 văn bản nợ với các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật. Nguyên nhân là bộ, ngành chưa có sự chưa chủ động, cố gắng và chưa lường hết các vấn đề.
Ngoài ra, một số luật yêu cầu số lượng văn bản quy định chi tiết khá nhiều như Luật Kinh doanh bảo hiểm có đến 37 nội dung quy định chi tiết. Một số văn bản khó, một số văn bản từ lúc thông qua cho đến khi có hiệu lực thi hành tương đối ngắn như Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho địa phương...
"Đối với Bộ Tư pháp, chúng tôi có trách nhiệm chung trong việc chậm ban hành, và Bộ cũng có trách nhiệm trong tham mưu chung cho Chính phủ về thẩm định, rà soát và đôn đốc", Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật. Ngay trong giai đoạn soạn thảo cần cố gắng xác định rõ các nội dung quy định chi tiết; quá trình thẩm tra thì các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ để các vấn đề chưa rõ thì chưa nên đề xuất đưa vào chính sách; giới hạn số lượng văn bản bằng cách gộp nội dung quy định chi tiết.
Lê Sơn