Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khi Trung ương thông qua Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và trong Báo cáo tổng kết về Luật Đất đai (sửa đổi) đã nêu rõ các tồn tại, yếu kém cũng như được đại biểu chỉ ra tại phiên họp này.
Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân của tình trạng lãng phí đất đai, như chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, các nhà đầu tư kém năng lực và pháp luật đất đai, pháp luật liên quan có sự chồng chéo…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu, từ nay đến năm 2024 sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay tại các địa phương. Chủ trương nhất quán là bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của Nhà nước, không hợp thức hóa những sai phạm.
Theo đó, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ tập trung vào các công cụ như: Quy hoạch, kế hoạch, định giá và hầu hết các phương thức giao đất là đấu thầu và đấu giá để bảo đảm công khai, minh bạch…
Giải trình về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, đây vấn đề hết sức phức tạp và hiện hữu. Tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ khẳng định trách nhiệm của mình, đó cũng là con đường để Việt Nam vượt qua thách thức do biến đổi khí hậu gây nên. Hiện thực hóa cam kết, bên cạnh các công cụ về pháp lý như: Luật Khí tượng thủy văn, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định của Chính phủ về giảm phát thải, Sơ đồ điện VIII theo hướng cơ cấu năng lượng tái tạo...Việt Nam cũng đang triển khai các chính sách chuyển đổi xanh, xây dựng nền kinh tế carbon thấp, ưu tiên triển khai các dự án xanh…
Lê Sơn