Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2023, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
Cụ thể, công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, dành nhiều thời gian, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc giúp Chính phủ lập đề nghị, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; phối hợp tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, thảo luận và cho ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại các Phiên họp thường kỳ, Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 16 luật, 03 Nghị quyết quy phạm; xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 11 văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, năm 2023, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.492 văn bản; tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các bộ, ngành, địa phương và kiểm tra theo địa bàn tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, giúp Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống VBQPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội khóa XV; hoàn thành việc xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam, vượt tiến độ 01 năm so với thời hạn đề ra và tổ chức triển khai thực hiện hệ thống hóa VBQPPL thống nhất trong cả nước kỳ 2019 – 2023.
Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chỉ đạo triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, các Kế hoạch, Đề án PBGDPL đã được ban hành.
Công tác Thi hành án dân sự đạt kết quả năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cụ thể, năm 2023 các cơ quan THADS đã thi hành xong 575.667 việc, đạt tỉ lệ 83,24%, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền: Đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 46,44%, tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao. Công tác theo dõi thi hành án hành chính cũng tiếp tục được cơ quan THADS thực hiện nghiêm, trách nhiệm theo quy định.
Các mặt công tác khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật… đều đạt kết quả đáng ghi nhận.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được Lãnh đạo Bộ, các đơn vị quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. Hầu hết các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành đã được điều chỉnh bằng các quy chế, quy định; quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bảo đảm; cán bộ, công chức, viên chức được tham gia, được biết, được giám sát hoạt động của Bộ, ngành trong những vấn đề có liên quan và theo quy định của pháp luật. Các quy định về dân chủ cơ sở đã được tuyên tuyền, quán triệt, phổ biến, góp phần tăng cường nhận thức cho cán bộ, đảng viên, tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở hơn trong cơ quan Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ...
Về phương hướng năm 2024, bên cạnh việc tập trung thực hiện công tác chuyên môn, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024, Hội nghị công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm:
Đó là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên về dân chủ và thực hành dân chủ; đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan Bộ Tư pháp, đảm bảo thực chất, hiệu quả gắn với thực hiện cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, tác phong của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, cung cấp thông tin. Phát huy vai trò của, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và xây dựng văn hóa công sở; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó lưu ý trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chú trọng đổi mới lề lối làm việc; phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; và gắn với thực hiện Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.
Đối với công tác thi đua, khen thưởng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan Bộ Tư pháp tích cực hưởng ứng phong trào thi đua của toàn ngành với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác tư pháp được giao, thiết thực lập thành tích chào mừng những sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước, của Bộ, ngành Tư pháp năm 2024 và tiến tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống ngành Tư pháp vào năm 2025.
Thực hiện các biện pháp thiết thực, khả thi, tiết kiệm trong các mặt quản lý để nâng cao hiệu quả chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức; tích cực tìm kiếm, tạo nguồn thu từ các đơn vị sự nghiệp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe; nghỉ ngơi, thăm hỏi khi đoàn viên đau ốm, gia đình khó khăn…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị cần quan tâm thực hiện để triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2024.
Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống cơ quan Bộ Tư pháp, nhất là người đứng đầu, về vai trò, ý nghĩa quan trọng của dân chủ và thực hành dân chủ; thực hiện nghiêm, hiệu quả các Quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của Bộ, của đơn vị về thực hành dân chủ. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình, nhất là trong bối cảnh tình hình mới khi chính sách về cải cách tiền lương sẽ có hiệu lực từ 01/07/2024.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động của cơ quan Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà các Báo cáo đã chỉ ra và tham luận, phát biểu của các đại biểu cũng bổ sung, làm sâu sắc thêm, trong đó phải thẳng thắn là có những vấn đề các đồng chí đã nêu ra tại Hội nghị năm trước nhưng chưa được giải quyết triệt để chủ yếu do nguồn lực hạn chế hoặc các nguyên nhân khách quan khác và cũng có cả nguyên nhân chủ quan trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các nhu cầu chính đáng của cán bộ tại một số đơn vị.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị tiếp tục có các sinh hoạt phù hợp để cùng thảo luận, chia sẻ, đánh giá đúng tình hình, hạn chế, bất cập và nguyên nhân để có các giải pháp khắc phục, đưa công tác thực hiện dân chủ tại đơn vị thực chất, hiệu quả 3 vấn đề sau:
Thứ nhất, giải quyết sự mất cân đối giữa yêu cầu công việc và nguồn lực bảo đảm. Đó là, số lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu về chất lượng và tiến độ ngày càng nặng, tính phức tạp và độ rủi ro tăng cao trong khi nguồn lực, điều kiện làm việc, chế độ chính sách, đặc biệt là cơ chế bảo vệ cán bộ còn chưa tương xứng, chưa phù hợp. Biên chế ngày càng thu hẹp và khó khăn trong tuyển dụng đủ và đúng người đã và đang tạo ra sức ép rất lớn cho cán bộ, công chức, người lao động của Bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới không khí, động lực, sự sáng tạo và hiệu quả công tác của Bộ và các đơn vị.
Thứ hai, đời sống của cán bộ, công chức và người lao động cơ quan Bộ Tư pháp mặc dù được quan tâm nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh lạm phát, giá cả và nhu cầu cuộc sống tăng cao. Vẫn còn có nơi, có lúc việc ghi nhận công sức của cán bộ, người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, sự cống hiến, lòng yêu nghề của tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp cần được ghi nhận hơn nữa.
Thứ ba, mặc dù hầu hết thủ trưởng đơn vị ngày càng hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của cán bộ, người lao động đối với việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của đơn vị và sự phát triển của đơn vị để có quan tâm động viên, khuyến khích, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, người lao động đơn vị mình nhưng đâu đó vẫn còn việc thực hiện quy định dân chủ trong cơ quan chưa tốt, chưa nhận thức đúng đó là trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị dẫn đến tâm tư cho cán bộ, ảnh hưởng hiệu quả, quyết tâm trong công việc của cán bộ, công chức, điều này cần sớm phải được khắc phục trong thời gian tới.
Lê Sơn