Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam. Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đó ngày 09/11 hằng năm được chọn làm Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam là dịp để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho toàn xã hội. Từ đó đến nay, Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức trên phạm vi cả nước đã tạo sức lan tỏa, thực sự trở thành sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý, thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội.
Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 tại Cà Mau được triển khai với nhiều hoạt động, thiết thực hiệu quả, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương với phương châm “Lấy người dân là trung tâm và hướng về cơ sở”. Thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức học tập, tìm hiểu và tự giác chấp hành pháp luật.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Cà Mau đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, cũng như các Sở, Ban, Ngành, địa phương trong việc chuẩn bị, phối hợp, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu pháp luật năm 2023 của tỉnh.
Để thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 và các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh thực sự hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Cà Mau đề nghị các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể ở tỉnh; cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật là việc làm hàng ngày, thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật phải bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nhiệm vụ chính trị, bám sát tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật; từ đó, hướng dẫn, giải thích, vận động Nhân dân chấp hành; Tập trung rà soát để có biện pháp sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến: tổ chức bộ máy, cán bộ; tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ và các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
“Chúng ta tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, các Sở, Ban, Ngành, địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của mọi người dân, Ngày Pháp luật năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ được tổ chức thiết thực, hiệu quả, thực sự trở thành hoạt động chính trị, pháp lý quan trọng của tỉnh, góp phần xây dựng, củng cố và phát triển văn hóa pháp lý trong đời sống hàng ngày”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật năm 2023” tỉnh Cà Mau đã trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 24 giải Khuyến khích cho các thí sinh đạt giải cuộc thi trực tuyến đợt V “Tìm hiểu pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và an toàn thực phẩm”. Đồng thời, trao 01 giải Nhì (không có giải nhất), 02 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cho các thí sinh đạt giải cuộc thi viết “Sáng kiến, mô hình, giải pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen cho 09 tập thể và 17 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở từ năm 2013 - 2023. Đặc biệt, 01 trong 50 cá nhân được Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tôn vinh “Gương sáng pháp luật 2023” là ông Ngô Đức Bính, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau.
LS