Sáng 9/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Wattay, Thủ đô Vientiane, bắt đầu thăm Lào và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, từ ngày 9 đến ngày 10/1 theo lời mời của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
Dự kiến trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng Thủ tướng Sonexay Siphandone đồng chủ trì kỳ họp thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào và đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Lào-Việt Nam.
Ngay trước chuyến công tác của Thủ tướng 1 ngày, chiều 8/1, Hội nghị cấp chuyên viên kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào được tổ chức tại Thủ đô Vientine, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào và Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Viengsavanh Vilayphone.
Tại hội nghị được đánh giá là rất quan trọng, nhằm thống nhất nội dung, chuẩn bị cho phiên họp giữa hai lãnh đạo Chính phủ sắp diễn ra, hai bên đã nhất trí với hai dự thảo văn kiện: Biên bản kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam và Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam năm 2025.
Về hợp tác chính trị-đối ngoại, mối quan hệ Việt Nam-Lào tiếp tục đi vào chiều sâu, gắn bó mật thiết, tin cậy, giữ vai trò nòng cốt định hướng tổng thể trong quan hệ hai nước. Các tuyên bố chung và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm triển khai tốt.
Hai bên đã tích cực thực hiện các tuyên bố chung và thỏa thuận cấp cao hai nước; triển khai Chiến lược hợp tác 10 năm 2021-2030 và Hiệp định hợp tác 5 năm 2021-2025.
Hai nước cũng trao đổi đoàn thường xuyên, đặc biệt là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào của Tổng Bí thư Tô Lâm (ngày 11-12/7/2024 lúc đó đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước); chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và tham dự cuộc gặp thường niên lãnh đạo cấp cao giữa hai Đảng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith (ngày 11-13/9/2024).
Việt Nam đã hỗ trợ Lào trong việc thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và các hội nghị cấp cao khác trong năm 2024.
Hai bên đã tổ chức tốt các khóa nghiên cứu, trao đổi chuyên đề và tập huấn ngắn hạn về lý luận chính trị cao cấp cho cán bộ quản lý các cấp của Lào; tiếp tục phối hợp triển khai tốt Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia và mốc giới quốc gia, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Lào-Việt Nam đã ký kết năm 2016...
Về hợp tác kinh tế-thương mại, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp quản lý, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Hai bên đã thành lập Ban Chuyên trách nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2026-2035 và Tầm nhìn đến năm 2045 của Lào.
Hợp tác đầu tư năm 2024, tình hình đầu tư của Việt Nam tại Lào đạt kết quả tích cực. Một số dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng được thúc đẩy triển khai, điển hình như dự án Năng lượng gió Trường Sơn, Xekaman 3, Tập đoàn Việt Phương. Hai bên cũng đã tích cực thúc đẩy tổ chức các cuộc họp để tham vấn và tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kim ngạch thương mại song phương trong năm 2024 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu của Lào từ Việt Nam đạt 641,8 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hai bên đã ký kết Hiệp định Thương mại Lào-Việt Nam phiên bản mới và Biên bản ghi nhớ về hợp tác chống buôn lậu và trốn thuế qua biên giới Lào-Việt Nam ngày 8/4/2024; tiếp tục xây dựng khung pháp lý ưu tiên thương mại đặc biệt cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Cùng với đó, hai bên tích cực triển khai các hiệp định hợp tác phát triển các dự án năng lượng, điện lực và khoáng sản giữa hai chính phủ. Đến nay, tổng công suất các dự án điện tại Lào được Thủ tướng Việt Nam phê duyệt chủ trương nhập khẩu về Việt Nam là 2.117 MW (so với mục tiêu 3.000 MW giai đoạn 2021-2025).
Ngoài ra, Biên bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030 cũng đang được tập trung triển khai, hai nước phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, như đường cao tốc Vientiane-Hà Nội, đường sắt Vientiane-Thakhek-Tân Ấp-Vũng Áng, các dự án kết nối giao thông quan trọng khác... Hai bên cũng đã cơ bản hoàn thành về hợp tác đầu tư phát triển bến 1, 2 và 3 thuộc cảng Vũng Áng.
Trao đổi về phương hướng hợp tác hai nước năm 2025, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng hai bên cần quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung chính.
Thứ nhất, củng cố và phát triển quan hệ về chính trị, ngoại giao.
Thứ hai, hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện. Theo đó, đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch; ngăn chặn các loại tội phạm vi phạm pháp luật xảy ra trên khu vực biên giới hai nước; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.
Hai bên đã phối hợp triển khai hiệu quả các dự án xây dựng cụm bản, dự án trung tâm cai nghiện ma túy và kích hoạt dự án xây dựng hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân tại Lào.
Thứ ba, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư-thương mại Việt Nam-Lào.
Ông Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam tiếp tục tăng cường hỗ trợ Lào kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam và các cơ quan chức năng hai nước để tiếp tục triển khai nhiệm vụ rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao về việc chủ trì triển khai nhiệm vụ của Tổ chuyên gia Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế; tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường thuận lợi; có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm về an ninh-quốc phòng; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào; xem xét, thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù để thu hút doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Lào; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai bên, mời các doanh nghiệp lớn, các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… tham dự để thu hút đầu tư.
"Thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại tăng trưởng khoảng 10-15%; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu.
Thứ tư, tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục- đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ Việt Nam sẽ dành học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào; hỗ trợ kinh phí để đào tạo dự bị tiếng Việt 4 tháng tại Lào cho sinh viên Lào trước khi sang Việt Nam...
Thứ năm, tiếp tục đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dài trải, phát huy hiệu quả ngay để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho Lào.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hai Ủy ban hợp tác hai nước cần thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra các dự án sử dụng vốn viện trợ nhằm đôn đốc việc thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng; điều chuyển nguồn vốn đã bố trí trong năm từ các dự án chậm tiến độ cho các dự án đạt, vượt tiến độ và có khả năng giải ngân.
Minh Ngọc