Phát biểu thảo luận tại Hội trường về Luật Công chứng (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất với việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi của cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị, cần xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng có phạm vi toàn quốc, đồng bộ, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia.
Đại biểu phân tích: Về dữ liệu công chứng tại Điều 63, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định: Dữ liệu công chứng phải bảo đảm liên thông với các dữ liệu về dân cư, về đất đai… Theo đại biểu, quy định về công chứng điện tử, cơ sở dữ liệu công chứng là quy định mới. Do đó, để quy định của dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đại biểu cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng có phạm vi toàn quốc, đồng bộ và kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng hệ thống công chứng điện tử để cung cấp dữ liệu làm đầu vào cho các cái dịch vụ công khác…
"Theo tôi, đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến tính tương thích của dữ liệu công chứng phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động công chứng có tuân thủ pháp luật hay không? Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn", đại biểu đề nghị.
Quan tâm đến các quy định về các trường hợp phải công chứng, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) phân tích: Hiện nay, các giao dịch hợp đồng phải công chứng còn được quy định rải rác ở các luật và các văn bản như là Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, luật chuyên ngành về công chứng cần có sự ghi nhận về những nội dung này để tạo sự đồng bộ, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như khẳng định chức năng và những lợi ích của công chứng như đã nêu.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp phải công chứng và bổ sung trường hợp công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, các biên bản họp Hội đồng quản trị, đại hội cổ đông, Hội đồng thành viên trong doanh nghiệp là trường hợp phải công chứng trong dự thảo Luật. Quy định này vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng, điển hình là các nước phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức…
Đề cập đến vai trò, sự cần thiết của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TPHCM) nêu rõ, Luật Công chứng năm 2014 có quy định riêng về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên. Theo đó, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc; đồng thời quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho công chứng viên của tổ chức mình.
Dự thảo luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên không phải là bảo hiểm bắt buộc vì không bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội nên đã bỏ quy định này trong dự thảo luật, nhưng vẫn quy định nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng mua bảo hiểm cho công chứng viên của tổ chức mình tại khoản 5 Điều 34.
Đại biểu đề nghị cơ cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm và làm rõ vai trò, sự cần thiết của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên để có quy định phù hợp. Theo đại biểu, công chứng viên ngoài chức năng cung cấp dịch vụ, còn có chức năng xã hội quan trọng, phòng ngừa tranh chấp góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Do đó bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cần tiếp tục được coi là loại hình bắt buộc và phải quy định trong luật, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Về việc cấm tổ chức hành nghề công chứng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, theo Luật Quảng cáo năm 2012 thì quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Nghị quyết 172 ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng cũng đang khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch để đảm bảo an toàn pháp lý, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách nhà nước. Do đó, việc giới thiệu về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên góp phần giúp tổ chức, cá nhân hiểu biết về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin, đặc biệt là ở các địa bàn mà tổ chức hành nghề công chứng mới được thành lập.
Cơ bản thống nhất với hồ sơ dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và để hoàn thiện hơn dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TPHCM) cho rằng, đối với mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng tại Điều 20 của dự thảo Luật này, đại biểu đề nghị nên cân nhắc bởi một số lí do: các văn phòng công chứng tư nhân do một số công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng, nhưng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động của văn phòng công chứng; hiện nay, các địa phương được xem xét, quyết định việc chuyển giao các hợp đồng giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nếu đủ điều kiện nên các địa phương có thể chủ động trong việc đảm bảo phân bố các tổ chức hành nghề công chứng,…
Từ những lí do trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đồng tình với dự thảo Luật là chỉ nên duy trì mô hình văn phòng công chứng hợp danh để đảm bảo trách nhiệm pháp lý của văn phòng đối với các cơ quan tổ chức và khách hàng của văn phòng công chứng.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ và hội trường; cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cách tiếp cận của dự án luật này theo hướng công chứng là dịch vụ công, trước đây Nhà nước thực hiện thực hiện công việc này. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta xã hội hóa một số hoạt động, phù hợp với thông lệ quốc tế. Về quan điểm và cách tiếp cận cũng như một số điều kiện bắt buộc gắn với dịch vụ công thì không thay đổi. Chúng ta thống nhất với cách tiếp cận về cơ bản giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra thiết kế một số quy định đi theo hướng này.
Trong đó, mô hình của tổ chức hành nghề công chứng, năm 2006, chúng ta mở ra hai mô hình, sau đó khi tổng kết thực hiện nhận thấy không phù hợp. Hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng, như vậy trung bình có 2,5 công chứng viên đối với một tổ chức hành nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm thông tin này để xem xét mô hình của văn phòng công chứng.
Về lý do cấm quảng cáo, Phó Thủ tướng cho biết, từ cách tiếp cận đây là dịch vụ công thì không thương mại hóa. Chúng ta không cấm hoàn toàn các công cụ để tự giới thiệu về mình của các tổ chức hành nghề công chứng; chỉ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Lê Sơn