Đây là ý kiến được các chuyên gia trao đổi tại hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội.
Nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững đã yêu cầu: "Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài".
Theo các chuyên gia, hiện còn một số vấn đề kỹ thuật cần xử lý, đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, trong đó nổi lên là: Vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp (DN) niêm yết cũng là đòi hỏi bức thiết nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường.
Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng, còn theo MSCI thì mới đáp ứng được 8 trên 17 tiêu chí. Hiện Việt Nam vẫn được xếp hạng ở vị trí thị trường cận biên. Các kỳ đánh giá tiếp theo của FTSE là vào tháng 3 và tháng 9 năm sau. Điều đó có nghĩa là để nâng hạng trước 2025 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 1 năm để có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng.
Ông Đặng Hồng Quang, Trưởng Đại diện văn phòng Hà Nội, VinaCapital cho biết: TTCK Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong 10 năm qua. Cụ thể, vốn hóa thị trường trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM vào thời điểm cuối tháng 9/2023 là 246 tỷ USD, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt khoảng 1,1 tỷ USD, lần lượt gấp 5,6 lần và gấp 17 lần so với 10 năm trước. Số lượng công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD hiện tại lên đến 48 công ty, so với 10 năm trước chỉ có 8 công ty.
Xét về quy mô vốn hóa và thanh khoản, TTCK Việt Nam hiện tại đã lớn hơn nhiều nước nằm trong các chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi. Tổng vốn hóa của các DN niêm yết trên sàn HoSE vào thời điểm cuối tháng 9/2023 là 190 tỷ USD, gần tương đương với quy mô vốn hóa của thị trường Malaysia và lớn hơn nhiều thị trường châu Á (Philippines, Qatar, Kuwait…) hay châu Âu (Hy Lạp, CH Czech, Hungary…).
"Về thanh khoản cũng tương tự như vậy, thậm chí thanh khoản, tính bằng giá trị giao dịch hàng ngày trên thị trường của TTCK Việt Nam còn vượt Malaysia và tương đương với Indonesia, tức chỉ đứng sau Thái Lan ở trong khối ASEAN. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nằm trong nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi...", ông Đặng Hồng Quang nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho hay: UBCKNN coi nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu trọng yếu.
Cùng với đó, các chuẩn mực của thị trường cũng phải theo thông lệ quốc tế hiện hành. Một số quy định hướng tới thông lệ quốc tế gồm: Công bố thông tin, văn bản nghị định, công ty quản lý quỹ, DN niêm yết (DNNY)... Tuy nhiên, để được nâng hạng chúng ta còn phải nỗ lực thêm. Trước tiên là đòi hỏi công bố thông tin của DNNY phải bằng tiếng Anh. Hiện nay các quy định của chúng ta mới ở mức khuyến khích, còn nếu bắt buộc thì sẽ gây áp lực lớn cho DN.
"Đây tưởng như vấn đề đơn giản nhưng mới chỉ có số ít DN lớn đáp ứng được yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh, còn một số DN ngay công bố bằng tiếng Việt cũng vẫn còn lỗi. Vì vậy nếu đưa thành quy định thì chế tài xử phạt cũng khó để thực thi, mọi bước đi phải có lộ trình tiếp cận phù hợp", ông Sơn nói.
Vấn đề tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) cũng là 1 vấn đề rất cần được khắc phục.
Theo phản ánh của FTSE Russell, MSCI, hiện nay NĐTNN không biết là tỉ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể của DN là bao nhiêu nên khó để đưa ra quyết định đầu tư.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN cho biết: Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư tài chính quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK, phân loại chỉ số tham chiếu cho TTCK. Do đó, việc phân loại, xếp hạng TTCK của các tổ chức xếp hạng lớn có ảnh hưởng quan trọng đến việc dẫn dắt luồng vốn đầu tư toàn cầu.
Không như nhiều thị trường khác, việc Việt Nam chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của NĐTNN.
Nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, ông Vũ Chí Dũng cho biết, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt. Cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách phát triển TTCK, thông qua việc rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập; rà soát và bổ sung các quy định nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn; tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của NĐTNN.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị DN, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán IFRS của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.
Nhấn mạnh yếu tố minh bạch thông tin, TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phân tích: Việt Nam cần phải chịu sức ép cải cách lớn hơn nữa, đặc biệt liên quan đến các quy định pháp luật về tính công khai và minh bạch.
Quy mô thị trường ngày càng lớn khi có những thời điểm chiếm 100-120% GDP, các DN niêm yết cần có cách thức quản trị khác.
Hiện tại, với cấp độ FTSE, chúng ta đang thiếu 2 chỉ tiêu quan trọng: Đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, và từ đó dẫn đến thiếu tiêu chí sai sót, rủi ro trong thanh toán. Nhiều người lo rằng nếu không giao dịch ký quỹ thì có rủi ro nhà đầu tư không thanh toán.
Khảo sát cho thấy, trường hợp không ký quỹ, tỉ lệ nhà đầu tư trên thế giới không thanh toán chỉ có 2%.
"Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót; kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử phạt 1.000-5.000 USD, hoặc tính tiền phạt dựa trên tỉ lệ số tiền. Cuối cùng, tăng thẩm quyền cho các CTCK để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, CTCK được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp họ không thể thanh toán", TS. Cấn Văn Lực đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Anh Minh