Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là ý kiến được các đại biểu trao đổi tại hội thảo: "Tìm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy DN lên sàn chứng khoán" do Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam tổ chức ngày 19/7 tại Hà Nội.
Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. TTCK hoạt động hiệu quả đã giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các DN niêm yết, đăng ký giao dịch.
Thị trường này đang đứng trước những cơ hội lớn, khi kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, trong khi đó, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển TTCK công khai, minh bạch, bền vững.
Theo các chuyên gia, trong 3 năm vừa qua, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường… Tuy nhiên, số DN lên sàn (bao gồm cả niêm yết và đăng ký giao dịch) trong thời gian qua còn rất hạn chế.
Theo ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của TTCK Việt Nam.
Thực tế sau 6 tháng đầu năm 2023, số lượng DN mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn rất hạn chế chỉ với một vài DN. Về nguyên nhân, đại diện VASB cho rằng, trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. TTCK hay bất cứ thị trường nào cũng sẽ vận hành theo đúng quy luật của nó, nếu muốn phát triển một cách lâu dài, bền vững, thì sự "thanh lọc" là khó tránh khỏi.
Trong quá trình 20 năm phát triển, những câu chuyện xử lý sai phạm xảy ra cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện quyết liệt các biện pháp thúc đẩy sự minh bạch, lành mạnh của TTCK để đây thực sự là kênh huy động vốn hiệu quả, là nơi để DN gọi vốn và phát triển lâu dài, bền vững.
Nhà nước đã và đang thực hiện các biện pháp miễn giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế VAT và thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tình hình kinh doanh của DN. Đây là điều rất tích cực trong việc hỗ trợ cho các DN-đơn vị cung cấp hàng hóa ra trên sàn chứng khoán.
Kết quả đã thể hiện khá rõ trên TTCK. Thị trường đang ngày càng hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng. VN-Index đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, muốn thúc đẩy DN lên sàn, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng DN để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức, trách nhiệm khi lên sàn chứng khoán. Từ đó, các DN nâng cao tính minh bạch hướng tới sự phát triển bền vững.
Bà Hồ Thị Phương Tú, Giám đốc phòng quản lý niêm yết (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội-HNX) cho hay: Sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi, hoạt động của mảng thị trường niêm yết đã có bước tiến đáng kể. Trong tiêu chí niêm yết, điều kiện bắt buộc là DN phải đi qua thị trường UPCoM, là sự sàng lọc khắt khe hơn trước rất nhiều, và tạo ra sự thay đổi đặc biệt cho TTCK.
Các DN niêm yết trong thời gian gần đây, họ đều có tối thiểu 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Thứ nữa là điều kiện vốn điều lệ cũng được quan tâm đúng mức.
Với quy định ít nhất 30 tỷ đồng vốn tự có, mặc dù chỉ là giá trị tương đối nhỏ, song cũng góp phần tạo dựng lượng hàng hóa có chất lượng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ hơn. Cuối cùng là tiêu chí về năng lực của các Chủ tịch, lãnh đạo của DN khi niêm yết; đồng thời, họ không được vi phạm Luật Chứng khoán trong quá trình điều hành DN.
Đối với trường hợp DN niêm yết, các DN sẽ có một năm để giao dịch trên UPCoM và nếu không đủ điều kiện giao dịch đại chúng thì thì sẽ bị loại khỏi sàn UPCoM.
Có trường hợp bị trả lại hồ sơ, nguyên nhân chính là do các DN chưa để đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết. Vấn đề thường thấy là tình hình tài chính không đáp ứng, và là nguyên nhân chính dẫn tới việc hồ sơ của các DN bị trả lại. Theo thống kê, có tới 70% số lượng hồ sơ bị trả lại là do không đáp ứng đủ các yêu cầu này.
Ông Nguyễn Trung Đức, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ thông tin: Đến nay, Hiệp hội DNNVV có hơn 65.000 DN thành viên đang hoạt động trong hiệp hội. Trong đó, chiếm trên 1% (hơn 650 DN) là DN đã niêm yết hoặc đang trong giai đoạn tiến hành đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để chuẩn bị niêm yết.
Trên TTCK, phần lớn vốn hóa thị trường, khoảng 85% tổng vốn hóa đang rơi vào một nhóm DN lớn, còn nhóm DN vừa và nhỏ chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. Nguyên nhân là vì điều kiện tiên quyết để đại chúng hóa, niêm yết là về vốn điều lệ.
Nhận thức được điều đó, Hiệp hội thời gian qua đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là định hướng, hỗ trợ tư vấn pháp lý trong hoạt động kinh doanh cho các DN hội viên.
Còn ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc DN Việt Nam cũng cho biết, hơn 15 năm qua, Công ty đã hỗ trợ khá nhiều DN ban đầu chưa đủ điều kiện lên sàn chứng khoán có thể thực hiện nguyện vọng.
"Vì chúng tôi hiểu DN đang thiếu ở đâu, cần bổ sung những gì, khi đại chúng hóa, niêm yết trên sàn. Những tổ chức trung gian phải làm cho DN hiểu được tính minh bạch và tác dụng khi gia nhập TTCK, khi đó họ mới làm theo và đó cũng là giải pháp căn cơ cho thị trường trong lâu dài", ông Bùi Đình Như nói.
Nhấn mạnh yếu tố minh bạch tài chính, bà Hoàng Thúy Nga, Trường phòng kiểm toán 5-Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC cho biết: Đối với các DN niêm yết, theo quy định phải có báo cáo tài chính đã qua kiểm toán 2 năm liên tiếp. Đánh giá một cách khách quan, yêu cầu này thực sự cần thiết bởi tính minh bạch của báo cáo kiểm toán.
Để các DN đạt được yêu cầu này thì thực sự không phải là điều dễ dàng. Hiện nay, các đơn vị tư vấn hay hay tổ chức phát hành tư vấn DN cần báo cáo tài chính đã qua kiểm toán 2 năm, tức là 24 tháng (cao hơn so với trước chỉ cần 18 tháng).
Trong quá trình kiểm toán, mặc dù có nhiều DN có kết quả kinh doanh tốt, tuy nhiên lại không đáp ứng được các yêu cầu trên. Nguyên nhân là do các DN ghi nhận quy trình về kế toán cũng như minh bạch về báo cáo tài chính, chính vì vậy kiểm toán không thể chứng minh được sự minh bạch cho các DN.
"Cũng có trường hợp DN chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán, là bởi DN không chủ động làm sớm, vào những thời điểm như giữa năm, cuối năm là "mùa" công bố báo cáo tài chính, các hãng kiểm toán sẽ nhanh chóng kín lịch, không thể tiếp nhận thêm DN nữa, hoặc sẽ không đủ thời gian cho kịp tiến độ của khách hàng", bà Hoàng Thúy Nga lưu ý các DN.
Anh Minh