Xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non:
Ngày 22/11 tại Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài nước, lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tổ chức quốc tế đã tham dự hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam” để bàn về chính sách giáo dục mầm non (GDMN)
Hội thảo do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á-Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới-WB) Cristian Aedo đồng chủ trì.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương, lãnh đạo UBND và sở GD&ĐT 30 tỉnh, thành phố trên cả nước; các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành học GDMN, cùng các tổ chức quốc tế như WB, UNICEF, Save the Children, VVOB, ChildFund, Plan International, tổ chức Onesky.
Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng GDMN và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Việt Nam đang triển khai quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo. Đổi mới này được thực hiện ở tất cả các bậc học, các khâu, các yếu tố, các quá trình, nhắm tới một tính tổng thể rất cao. Trong đó có những quan điểm sâu chuỗi từ cấp học mầm non đến đại học, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là phát triển toàn diện trẻ em, phát triển con người. Trong đó, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non, bởi tính quyết định đến tương lai của trẻ em cả về phương diện thể chất, tinh thần, trí tuệ.
GDMN Việt Nam đã đạt kết quả nhất định trong giáo dục phổ cập. Việt Nam đã có một chương trình GDMN thống nhất cả nước, có ưu tiên phát triển khoa học giáo dục cho cấp học này và thực tế đã đạt được kết quả khả quan.
“Tuy nhiên, với mục tiêu xa và lớn hơn, chúng tôi thấy cần phải làm nhiều điều hơn nữa cho GDMN”. Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, Bộ GD&ĐT đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình GDMN mới; sẽ có chương trình thống nhất cho các khâu để kiểm soát về chất lượng, cũng như có sự đầu tư cho cấp học này.
Phục vụ cho việc đó, Bộ GD&ĐT đã có khá nhiều các hoạt động trao đổi, thảo luận với các chuyên gia và hội thảo hôm nay là một hoạt động trong chuỗi đó, phục vụ việc phát triển GDMN nói chung, chuẩn bị biên soạn chương trình GDMN nói riêng.
Ông Cristian Aedo, Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á-Thái Bình Dương (WB) trong phát biểu khai mạc đã đề cập đến 3 cơ hội phát triển quan trọng khi xây dựng được một hệ thống GDMN chất lượng và hiệu quả.
Theo đó, Việt Nam được nhiều lần xếp hạng cao trong chỉ số vốn con người HCIndex của WB, ngang bằng với các quốc gia có thu nhập cao và vượt trội so với nhiều nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam có thể vượt qua chỉ số phát triển con người hiện tại bằng cách thực hiện đầu tư và cải cách mang tính chuyển đổi vào hệ thống GDMN. Bởi đầu tư vào trẻ nhỏ là nền tảng thúc đẩy bình đẳng và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, cũng như khả năng cạnh tranh kinh tế trong tương lai.
Ông Cristian Aedo cho rằng, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ GDMN có chất lượng, giá cả phải chăng là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất mà Việt Nam có thể thực hiện để xây dựng nguồn nhân lực, thúc đẩy bình đẳng và vượt qua kỷ lục phát triển con người của chính mình ở cấp giáo dục phổ thông.
Đầu tư vào chăm sóc trẻ em có thể mang lại tác động đa thế hệ bằng cách cải thiện quyền năng kinh tế của phụ nữ, kết quả của trẻ em, phúc lợi gia đình, năng suất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Đối với trẻ em, phát triển trẻ mầm non chất lượng có thể cung cấp các đầu vào quan trọng cần thiết trong những năm đầu đời để xây dựng các kỹ năng nền tảng giúp các em thành công ở trường và trong suốt cuộc đời. Đối với phụ nữ, việc tiếp cận dịch vụ phát triển trẻ mầm non có thể giúp các bà mẹ tham gia vào thị trường lao động, tăng giờ làm, năng suất và thu nhập, cũng như cải thiện chất lượng công việc.
Ông Cristian Aedo cũng khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phát triển con người và mong muốn hợp tác toàn diện hơn để hỗ trợ chương trình GDMN của Bộ GD&ĐT, bao gồm nâng cao chương trình giảng dạy và chất lượng đội ngũ giảng dạy GDMN.
Theo Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Phạm Tuấn Anh: Hiện nay trên toàn quốc, bậc học mầm non có 368.968 giáo viên (công lập 271.073 giáo viên, ngoài công lập 97.895 giáo viên). Trong tổng số 271.073 giáo viên công lập có 256.020 giáo viên trong biên chế và 15.053 giáo viên hợp đồng.
Tỉ lệ giáo viên/lớp các trường công lập (chỉ tính giáo viên biên chế): Định mức 2,2 giáo viên/lớp. Tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân toàn quốc là 1,76, trong đó, Đồng bằng sông Hồng 1,93, miền núi phía Bắc 1,58, Bắc Trung Bộ 1,7, Tây nguyên 1,6, Đông Nam Bộ 2, ĐBSCL 1,74.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, số lượng giáo viên thừa cục bộ theo định mức: So với định mức quy định, toàn quốc còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu 44.068 giáo viên. Tỉ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019: Bình quân toàn quốc đạt 77,6%, trong đó, Đồng bằng sông Hồng 77,6%, miền núi phía Bắc 84,4%, Bắc Trung Bộ 79,6%, Tây nguyên 70,5%, Đông Nam Bộ 65,7% và ĐBSCL 83,2%.
Hiện nay, các trường mầm non có đội ngũ nhân viên hỗ trợ, phục vụ gồm: Văn thư, kế toán, y tế, thủ quỹ, với tổng số 24.761 người.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành điều chỉnh đến hoạt động nghề nghiệp của GDMN. Các văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT nhìn chung đã tương đối đầy đủ, hướng dẫn thực hiện các quy định về nhà giáo được quy định trong các luật liên quan, tạo hành lang pháp lý để phát triển đội ngũ giáo viên mâm non.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao. Triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên được bổ sung theo Quyết định số 72/QĐ-TW và Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 2/8/2022 của Bộ GDĐT. Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, đến năm 2026 báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non... phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non.
Đề xuất Chính phủ phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100% (Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh).
Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp, trước mắt xem xét không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học (do chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức, nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế, dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp trong bối cảnh tỉ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao).
Đồng thời xem xét không tinh giản biên chế 10% “cào bằng” giữa các vùng, miền trong cả nước. Có thể tính đến điều kiện vùng, miền trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Đối với vùng thuận lợi, tỉ lệ tinh giản biên chế có thể nhiều hơn 10% và đối với vùng khó khăn, tỉ lệ tinh giản biên chế có thể dưới 10%.
PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định tại Điều 25, Luật Giáo dục, chương trình GDMN phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Thể hiện mục tiêu GDMN; quy định yêu cầu cần đạt ở mỗi độ tuổi, các hoạt động giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ em; thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở GDMN.
Ông Nguyễn Bá Minh cho biết, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục. Các khoản đóng góp, tài trợ cho giáo dục của tổ chức, cá nhân được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ cho giáo dục, đóng góp, tài trợ, ủng hộ tiền hoặc hiện vật để phát triển sự nghiệp giáo dục được xem xét để ghi nhận bằng hình thức thích hợp.
Tại Điều 27 Luật Giáo dục quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển GDMN; ưu tiên phát triển GDMN ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Chính phủ đã ban hành nghị định số 105 quy định chính sách phát triển GDMN.
Trong đó, chính sách đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp GDMN: Tăng cường nguồn lực từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất theo các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp GDMN, bảo đảm yêu cầu đến năm 2025 đạt 1 phòng/nhóm, lớp; đầu tư xây dựng mới, bổ sung các hạng mục công trình theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất đối với GDMN.
"Các chính sách tổng thể được quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với GDMN ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; giải quyết được những khó khăn bất cập đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất đã tồn tại trong thời gian dài; đảm bảo công bằng đối với mọi trẻ em. Đồng thời tạo lập nguyên tắc áp dụng cơ chế, chính sách để các địa phương căn cứ xây dựng chính sách địa phương phù hợp nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển GDMN, đáp ứng nhu cầu của nhân dân", PGS.TS Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh.
Phương Liên