Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 22/9, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo 2 đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi), nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030" và "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 2 đề án quan trọng này, Bộ GD&ĐT đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập để xây dựng chương trình, khảo sát vùng khó, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo và tiến tới xây dựng đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, thời gian qua, mạng lưới, quy mô và chất lượng giáo dục mầm non đã phát triển có tính bền vững rõ hơn, tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục mầm non. Ngành học giáo dục mầm non cũng đối diện với nhiều khó khăn khác, trong đó, việc chất lượng chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục trẻ chưa đồng đều tại các vùng miền...
Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), thực hiện tốt đề án cũng tạo nền tảng vững chắc cho việc duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp một.
Đặc biệt, chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030" cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để giảm bớt sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong cả nước.
Trong bối cảnh kế thừa kết quả giáo dục mầm non giai đoạn trước, việc ban hành và thực hiện 2 đề án nhằm củng cố vững chắc chất lượng giáo dục mầm non, từng bước nâng cao và giảm khoảng cách giữa vùng thuận lợi và khó khăn, bảo đảm công bằng trong giáo dục.
Nhật Nam