Mã số được cấp có diện tích 1ha, trồng thuần keo lai từ năm 2022, thuộc vùng trồng rừng nguyên liệu Đội 821, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn. Thông tin về tọa độ vùng trồng được xác định chính xác bởi Hệ thống iTwood và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang chứng nhận.
Đây là mã số vùng trồng rừng đầu tiên cấp cho chủ rừng tại Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình được Bộ NN&PTNT thí điểm tại 5 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.
Tính đến 20/10, tổng diện tích rừng trồng được các chủ rừng trong chương trình đăng ký quyền sử dụng đất để cấp mã lên tới 3.500ha tại Tuyên Quang, trong đó 1.366ha rừng trồng thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn và 958ha rừng trồng trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Yên Sơn.
Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang cho biết: "Việc cấp mã số vùng trồng rừng góp phần minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản", bà Hoàn hy vọng rằng, kết hợp với đề án xây dựng Tuyên Quang thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, địa phương sẽ trở thành một cực phát triển lâm nghiệp ở phía Bắc.
Nền tảng cho việc cấp mã số vùng trồng rừng là hệ thống iTwood, một công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực. Mỗi khâu trong quy trình tạo lập hồ sơ sẽ được cấp 1 QR code, đảm bảo dòng chảy thông tin liên tục về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu từ khâu trồng rừng - khai thác - thương mại.
Nhờ sử dụng mô hình điện toán đám mây, iTwood hỗ trợ người sử dụng truy xuất nguồn gốc gỗ nhanh chóng, TS Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế lâm nghiệp chia sẻ: "Việc cấp mã số vùng trồng rừng được tích hợp trên hệ thống iTwood với những chức năng khác sẽ tiếp tục được mở rộng, nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất cho các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến thương mại gỗ".
Từ 5 tỉnh thí điểm ban đầu kể trên và mở rộng tại Cà Mau, Đồng Nai, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị, hệ thống iTwood đã tạo lập được cơ sở dữ liệu đầu vào cho ngành gỗ trên cả nước, góp phần minh bạch và phát triển giao dịch thương mại điện tử cho các sản phẩm gỗ. Đến nay, diện tích đăng ký cấp mã số vùng trồng của 10 tỉnh lên đến 67.000ha.
Về phía đơn vị thụ hưởng, các đơn vị chủ rừng đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp từ đầu năm 2024, như tập huấn nâng cao năng lực quản lý rừng, xây dựng bản đồ chi tiết về rừng, trong đó có tọa độ, diện tích, hiện trạng rừng trồng...
Được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học, doanh nghiệp nhận thấy áp dụng công nghệ QR code động truy xuất nguồn gốc đem đến nhiều lợi ích lâu dài. Thứ nhất, tính cạnh tranh của sản phẩm dán tem truy xuất sẽ cao hơn sản phẩm cùng loại. Thứ hai, công nghệ QR code cho phép tạo ra tem dán QR code cho sản phẩm gỗ để truy xuất đầy đủ thông tin vùng trồng rừng và nơi chế biến thương mại sản phẩm gỗ, giúp khẳng định sự minh bạch và uy tín trong việc xây dựng hình ảnh tin cậy trong lòng người tiêu dùng.
Hiện Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn cũng đẩy mạnh việc cấp và quản lý mã số vùng trồng để tạo lập và phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ FSC.
Đỗ Hương