Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo nằm trong khuôn khổ năm Đa dạng sinh học quốc gia - với chủ đề "Chung sống hài hòa với thiên nhiên" nhằm chia sẻ với các bên liên quan về thực trạng đa dạng sinh học, tài nguyên rừng cũng như tiềm năng và tiến trình xây dựng đề án thí điểm carbon, phục hồi rừng tại Quảng Nam.
Nhiều tiềm năng về trữ lượng carbon rừng
Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn của Việt Nam. Rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực, chống xói mòn đất, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng thích ứng cho các cộng đồng.
Quảng Nam cũng là địa phương có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng carbon từ rừng. Trong giai đoạn 2005 – 2016, rừng của Quảng Nam phát thải 4.233.930 tCO2e/năm và hấp thụ 3.295.389 tCO2e/năm; mức phát thải ròng trung bình hàng năm là 938.541 tCO2e/năm.
Ước tính phát thải và hấp thụ hàng năm giai đoạn 2019 – 2030 lần lượt là 3.789.589 tCO2e/năm và 4.476.445 tCO2e/năm, mức hấp thụ ròng trung bình hàng năm là 686.856 tCO2e/năm. Như vậy, tiềm năng giảm phát thải từ rừng của tỉnh là 533.341 tCO2e/năm và tiềm năng hấp thụ là 1.181.056 tCO2e/năm.
Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, trong những năm qua, với áp lực về nhu cầu gỗ, lâm sản, đất sản xuất, công tác quản lý còn bất cập, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế…dẫn đến hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra.
Tình trạng vi phạm các quy định của nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vẫn còn tái diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, môi trường, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế miền núi.
Trước thực trạng đó, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch lâm nghiệp, giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển miền núi và nâng cao đời sống người dân dựa vào rừng. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Tại hội thảo các đại biểu chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như một số giải pháp đối với thương mại carbon trong lâm nghiệp khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp với các bộ ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon.
Ngoài ra, năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án carbon rừng; dữ liệu, tính minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải, thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp…còn hạn chế.
Bà Nghiêm Phương Thuý, Cục Lâm nghiệp cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục triển khai các chương tình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm carbon có chất lượng cao; truyền thông, tập huấn kỹ thuật bài bản; nghiên cứu phân bổ hạn ngạch NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) và tiềm năng tín chỉ cho địa phương…
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện về hồ sơ để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án của tỉnh hoặc tham gia vào các dự án carbon vùng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững cho tương lai.
"Sở NN&PTNT tỉnh cần tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Chỉ thị của Thủ trướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 – 2030 cũng như Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua các hoạt động đánh giá hiện trạng, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh để ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lâm nghiệp", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị.
Lưu Hương