Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch quận Long Biên cho biết, sau 20 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo và phát huy hiệu quả thế mạnh, nguồn lực của địa phương, Long Biên đã từng bước hướng tới đô thị, văn minh, hiện đại. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng, đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, quận duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ở mức cao từ 15-21%/năm; đảm bảo tính ổn định, bền vững.
Thu nhập bình quân đầu người của quận Long Biên năm 2022 là 86,9 triệu đồng/người/năm, dự kiến đến năm 2025 đạt 107 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế của quận phát triển theo hướng tích cực, chủ yếu thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp… Sản xuất nông nghiệp không phải là thế mạnh của Long Biên nhưng quận có sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao, 4 sao khá nhiều, trong đó chủ yếu là các sản phẩm đã được chế biến sâu.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên, các sản phẩm OCOP của quận điển hình là: Xúc xích, giò gà, chả mỡ, ruốc heo; hay các sản phẩm thuộc nông nghiệp hữu cơ như rau hữu cơ, xà phòng làm từ lá ổi, nước rửa tay khô từ lá ổi… Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã phát triển rất tốt các sản phẩm OCOP và đi vào chiều sâu như Công ty TNHH Hương Việt Sinh, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hữu cơ Tuệ Viên... Các doanh nghiệp này đã có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất nên chất lượng OCOP được đánh giá cao và đang hướng tới mục tiêu phát triển ra thị trường nước ngoài.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hương Việt Sinh cho biết, Công ty định hướng trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chế biến suất ăn học đường, cung cấp thực phẩm sạch phục vụ cộng đồng, đối tác, khách hàng và các hộ gia đình Việt Nam. Đơn vị cam kết luôn nỗ lực để mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất. Hiện đơn vị đã có 18 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, cung cấp thực phẩm sạch cho hơn 100 trường học trên địa bàn TP. Hà Nội, Công ty cũng đang định hướng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài trong thời gian tới.
Việc tham gia chương trình OCOP là một hướng đi đúng đắn không chỉ của doanh nghiệp mà của hầu hết các đơn vị, địa phương, hộ kinh doanh… OCOP đã tạo nên thương hiệu và bước đi vững chắc cho Hương Việt Sinh trong những năm qua. Theo đó, đơn vị đã chủ động nghiên cứu mô hình nuôi gà hồ tự ấp, trang trại heo khép kín sản xuất đa dạng các sản phẩm thực phẩm chế biến sâu như: Gà ủ muối, giò gà, Pate, xúc xích, giò lụa… Hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn ISO 22000 và hệ thống bếp ăn được vận hành theo tiêu chuẩn quốc gia 5S của Nhật Bản nên các sản phẩm cũng như các suất ăn đều được đánh giá cao về chất lượng và độ tin cậy, an toàn.
Theo lãnh đạo quận Long Biên, để thúc đẩy phát triển thế mạnh OCOP, UBND quận đã hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm OCOP xây dựng nhiều điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như điểm trưng bày số 183 Ngô Gia Tự được bàn giao trực tiếp cho Công ty TNHH Hương Việt Sinh chịu trách nhiệm quản lý, vận hành trong thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân địa phương và các vùng lân cận. Thông qua đó các sản phẩm OCOP của Long Biên đã được lan tỏa, mở rộng và ngày càng được nhiều người biết đến hơn, góp phần quảng bá cho sản phẩm của quận.
Vừa qua, UBND quận Long Biên cũng đã phối hợp cùng Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tổ chức tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản, thực phẩm an toàn TP. Hà Nội. Tuần hàng diễn ra từ ngày 10/8 đến ngày 14/8/2023 tại khu vực cổng làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Với quy mô trên 50 gian hàng, sự kiện đã mang đến cho người tiêu dùng cơ hội tiếp cận nhiều sản phẩm chất lượng, giá cả ưu đãi. Góp phần đưa hình ảnh quận Long Biên đến gần hơn với người dân và du khách trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới quận sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dự thi OCOP tiềm năng của địa phương như: Ổi Phúc Lợi, ổi Giang Biên, ổi Cự Phối, các sản phẩm ví, thắt lưng làm từ da rắn làng nghề Lệ Mật. Đồng thời tiếp tục mở thêm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, các điểm trưng bày, kiot bán hàng tại khu vực chợ mới mở trên địa bàn quận, khuyến khích chủ thể phát triển thị trường trên các trang thương mại điện tử uy tín… Mục tiêu đến năm 2024, Long Biên có hơn 25 sản phẩm đạt OCOP.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, việc tổ chức quảng bá, kết nối, giao thương sản phẩm OCOP trên địa bàn quận Long Biên trong thời gian qua đã góp phần giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số; các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đồng thời các sản phẩm OCOP sẽ từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, đặc biệt là bảo đảm an toàn chất lượng.
"Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội".
Thiện Tâm