In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/12/2024

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/12/2024.

01/12/2024 19:08
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/12/2024- Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 1/12/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Công điện nêu: Trong năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP; công tác THTK, CLP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước; nhận thức, trách nhiệm về THTK, CLP của các bộ, ngành, địa phương được nâng lên.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP vẫn còn tồn tại, hạn chế: tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để; giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn và việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm; vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, môi trường vẫn còn xảy ra; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng... Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân do một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP.

Để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Bộ Chính trị. Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP và Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2024.

2. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP; các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP năm 2024 theo định hướng, chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về THTK, CLP. Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm. Tăng cường thực hiện giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ Nhân dân.

3. Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác THTK, CLP, trong đó tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi Luật THTK, CLP (Luật số: 44/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013); rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác THTK, CLP để bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực Nhà nước.

4. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THTK, CLP và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến THTK, CLP nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác THTK, CLP đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội; xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa THTK, CLP trở thành tự giác, tự nguyện. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong THTK, CLP; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

5. Tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực sau:

a) Về quản lý ngân sách nhà nước: Tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công: Khẩn trương triển khai thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Tăng cường tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, kiên quyết cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 từ các dự án không giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ dự án đầu tư công.

c) Về quản lý, sử dụng tài sản công:

Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Trong đó, tập trung thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, xây dựng Cơ sở dữ liệu thành phần để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước; tổng hợp kết quả rà soát, xử lý gửi Bộ Tài chính trước ngày 08 tháng 12 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm công tác Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2024, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

d) Về quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quản lý đất đai; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế. Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; rà soát, đánh giá đúng thực trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc, đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh việc thực hiện dự án, đưa đất đai vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai.

đ) Về quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: (1) Hoàn thành việc sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; (2) Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính, đổi mới quản trị, công nghệ, cơ cấu lại sản phẩm, ngành, nghề sản xuất kinh doanh, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát theo quy định và kế hoạch việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tài chính phối hợp với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp kiểm tra tình hình phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp xử lý đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước chưa phê duyệt Đề án theo Kế hoạch đề ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.

e) Về tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động:

Khẩn trương thực hiện tổng kết 07 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng, đảm bảo năng suất, hiệu quả công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính. Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Chuyển đổi số toàn diện việc thực hiện thủ tục hành chính, nhất là hoạt động cấp phép, chuyển mạnh sang cấp phép tự động dựa trên ứng dụng công nghệ, dữ liệu số.

6. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP và pháp luật chuyên ngành, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

7. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác THTK, CLP, đề xuất sửa đổi Luật THTK, CLP (Luật số: 44/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013).

- Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả và đề xuất phương án xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

8. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

9. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc; xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.

Kiện toàn nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 30/11/2024 kiện toàn nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Theo đó, ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kiêm Ủy viên Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thay ông Cao Huy.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/11/2024.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/12/2024- Ảnh 2.

Phấn đấu năm 2025 hoàn thành Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh minh họa.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 538/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của các địa phương trong việc quyết liệt triển khai và hỗ trợ các điều kiện về vật liệu xây dựng, hậu cần, giải phóng mặt bằng để việc triển khai các dự án cơ bản bảo đảm tiến độ; đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương có nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường như Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng… đã cơ bản bảo đảm cung ứng vật liệu theo tiến độ cho các dự án.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là các Ban quản lý dự án, các nhà thầu và Bộ Giao thông vận tải cần phải rút kinh nghiệm và bám sát tình hình thực tế để kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc. Nguồn vật liệu san lấp theo trữ lượng về cơ bản bảo đảm, nhưng việc cung cấp vật liệu theo tiến độ thi công còn chậm; một số mỏ tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang tạm dừng khai thác; tỉnh Vĩnh Long chậm hoàn thành thủ tục tăng công suất các mỏ cát. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cần hoàn thành thủ tục cấp mỏ cát cho các dự án trong tháng 10 năm 2024; tuy nhiên, việc triển khai chưa đáp ứng được tiến độ thi công. Các mỏ cát sông thuộc tỉnh Sóc Trăng có đủ trữ lượng nhưng công suất khai thác rất hạn chế. Một số dự án vẫn còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng; chưa hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật điện, công trình ngầm (nhất là 17 vị trí đường điện cao thế chưa di dời)…

Tháo gỡ ngay tại cơ sở đối với các vướng mắc phát sinh

Phó Thủ tướng kết luận: Các dự án đường cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là những dự án hết sức quan trọng của đất nước, tạo động lực mới để phát triển vùng. Với khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án còn rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai các dự án; lưu ý nghiên cứu kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai tốt các giải pháp theo quy định của pháp luật để tháo gỡ ngay tại cơ sở đối với các vướng mắc phát sinh; khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 490/TB-VPCP ngày 26 tháng 10 năm 2024 về kết luận Phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu năm 2025 phải hoàn thành Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và năm 2026 cơ bản hoàn thành toàn tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu rà soát, tổng hợp công suất cần thiết phải cung ứng để bảo đảm trữ lượng, chất lượng, công suất thực tế có thể đáp ứng của các mỏ cát theo tiến độ của từng dự án; tính toán thêm phương án sử dụng cát biển để hỗ trợ phần thiếu nguồn cát sông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án chi tiết đường găng, tiến độ cam kết cụ thể trước ngày 30 tháng 11 năm 2024;

Bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát bám sát công việc, chủ động làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc cung ứng vật liệu san lấp đắp nền đường, tuyệt đối không để các dự án bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu cát, sỏi, đá; chỉ đạo ban quản lý dự án, nhà thầu khẩn trương khắc phục các vi phạm và tổ chức khai thác mỏ cát theo đúng cam kết và đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện nhiệm vụ đánh giá toàn bộ trữ lượng cát sông, cát biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ cấp bách nêu trên trong nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định của pháp luật;

Đồng thời, cử đoàn công tác hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang thực hiện thủ tục để tiếp tục khai thác mỏ đá Antraco trong tháng 11 năm 2024; hướng dẫn các quy định về môi trường khi sử dụng cát biển trong các môi trường khác nhau (nhiễm mặn, chưa nhiễm mặn, phèn chua…) trong tháng 12 năm 2024;

Khẩn trương rà soát, trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, trong đó cần lưu ý vấn đề về xác định đường triều kiệt tại các đảo nhỏ, vấn đề tăng cường phân cấp trong giao khu vực biển cho các địa phương trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Rà soát quy trình xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng, san lấp, làm cơ sở để các địa phương nghiên cứu, triển khai thí điểm đối với các công trình, dự án trên địa bàn; hoàn thành trong Quý 1 năm 2025. Hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định và công bố giá vật liệu khai thác tại các mỏ để cung ứng cho các dự án (nếu cần), đặc biệt là đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tại cuộc họp.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hệ thống điện cao thế để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án cao tốc trong tháng 11 năm 2024.

Phấn đấu trong Quý I/2025 hoàn thành việc xác định ranh giới khu vực biển của các địa phương

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương khẩn trương hoàn thành việc xác định ranh giới khu vực biển của các địa phương (trong đó có tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng), phấn đấu hoàn thành trong Quý I năm 2025. Trong thời gian chưa xác định ranh giới khu vực biển giữa các tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ triển khai hoạt động khai thác cát biển tại mỏ B1.3 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cấp phép khai thác để cung cấp cát cho các dự án cao tốc trọng điểm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo cơ chế đặc thù được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Các địa phương có mỏ cát, hoàn thành thủ tục khai thác để cung ứng cho các dự án, bảo đảm khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ thi công.../.