Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2024/NĐ-CP ngày 21/11/2024 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Nghị định quy định đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải (cơ sở xả khí thải).
Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là các cơ sở xả khí thải.
Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C.
Trong đó:
F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm).
f là phí cố định (quý hoặc năm).
C là phí biến đổi, tính theo quý.
Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải (C) là tổng số phí biến đổi tại mỗi dòng khí thải (Ci) được xác định theo công thức sau: C = ΣCi.
Phí biến đổi mỗi dòng khí thải (Ci) bằng tổng số phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này có trong khí thải tại mỗi dòng khí thải (i) và được xác định theo công thức sau: Ci= Ci (Bụi) + Ci (SOx) + Ci (NOx) + Ci (CO)
1- Đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải, Nghị định quy định:
Mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4.
Trường hợp cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (5/1/2025) hoặc cơ sở xả khí thải đang hoạt động trước ngày 5/1/2025: số phí phải nộp = (f/12) x thời gian tính phí (tháng).
Trong đó, thời gian tính phí là thời gian kể từ tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải đang hoạt động) hoặc tháng bắt đầu đi vào hoạt động (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành) đến hết quý hoặc hết năm.
2- Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải
- Mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4.
- Mức thu phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải như sau: Bụi và NOx (gồm N02 và NO) là 800 đồng/tấn; SOx là 700 đồng/tấn; CO là 500 đồng/tấn.
Nghị định quy định tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 25% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP; nộp 75% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký Quyết định số 20/2024/QĐ-TTg ngày 21/11/2024 hướng dẫn thực hiện Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định này quy định về quy trình phân bổ hạn ngạch thuế quan, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, mức thuế suất thuế nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch thuế quan và cơ chế phối hợp quản lý giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện cơ chế nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với phương tiện vận tải có động cơ và bộ SKD trong khuôn khổ Nghị định thư.
Quyết định quy định các yêu cầu đối với liên doanh gồm:
1- Các pháp nhân được thành lập theo các thỏa thuận được ký giữa các doanh nghiệp được ủy quyền của Liên bang Nga và các doanh nghiệp có quan tâm của Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
2- Mỗi doanh nghiệp được ủy quyền của Liên bang Nga chỉ được phép thành lập một liên doanh tại Việt Nam.
3- Phần vốn do các doanh nghiệp Việt Nam trong liên doanh đóng góp phải đạt ít nhất 50% tổng vốn điều lệ của liên doanh.
4- Các liên doanh phải được thành lập và hoạt động trong thời gian ít nhất 10 năm và không quá 30 năm.
5- Các doanh nghiệp được ủy quyền của Liên bang Nga không được chuyển nhượng vốn trong các liên doanh cho bất cứ bên thứ ba của một nước thứ ba nào.
6- Tỷ lệ nội địa hóa mà các liên doanh phải đạt được vào năm 2025 như sau:
- Xe thể thao đa dụng (SUV) của hãng "UAZ": 40%
- Phương tiện vận tải từ 10 chỗ trở lên, bao gồm cả lái xe: 50%
- Xe tải: 45%
- Xe chuyên dụng: 40%
Nghị định nêu rõ nếu (các) liên doanh không sản xuất được các phương tiện vận tải có động cơ đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa như trên trong vòng 10 năm kể từ ngày 5/10/2016, sẽ bị thu hồi Giấy phép thành lập/Đăng ký kinh doanh của (các) liên doanh này.
7- Các phương tiện vận tải có động cơ do liên doanh sản xuất để sử dụng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
8- Liên doanh phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng hướng dẫn về thuế nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch.
Mức thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan là 0% trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện sau:
a- Xuất xứ của các phương tiện vận tải có động cơ và xuất xứ các bộ SKD do (các) liên doanh nhập khẩu cho lắp ráp công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, nếu được dùng để lắp ráp thành các phương tiện vận tải có động cơ hoàn chỉnh trên lãnh thổ của Liên bang Nga, phải được xác nhận bằng giấy Chứng nhận xuất xứ được cấp có chỉ rõ hàm lượng giá trị gia tăng không ít hơn 55%, theo công thức để tính hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) sau:
VAC = ((Trị giá FOB - Trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ)/Trị giá FOB)x 100%
Trong đó, trị giá của nguyên vật liệu không có xuất xứ sẽ là:
Trị giá CIF tại thời điểm nhập khẩu nguyên vật liệu tại một Bên; hoặc
Giá mua hoặc có thể trả đầu tiên của nguyên vật liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một bên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến.
Trong lãnh thổ của Việt Nam hoặc Liên bang Nga, khi các nhà sản xuất của hàng hóa mua các nguyên vật liệu không có xuất xứ trong một bên đó, trị giá của những nguyên vật liệu đó sẽ không bao gồm phí vận chuyển, bảo hiểm, chi phí đóng gói và các chi phí phát sinh khác cho việc vận chuyển những vật liệu từ địa điểm của các nhà cung cấp đến nơi sản xuất.
b- Tất cả các phương tiện vận tải có động cơ và bộ SKD do (các) liên doanh nhập khẩu vào Việt Nam phải là những hàng hóa mới, chưa qua sử dụng.
c- Các phương tiện vận tải có động cơ do (các) liên doanh nhập khẩu phải được sản xuất chế tạo không quá 02 năm tính đến năm cập cảng hoặc cửa khẩu Việt Nam.
Trong trường hợp hàng hóa có Giấy chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định VN - EAEU FTA (Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV), mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan là mức thuế nhập khẩu hiện hành theo cam kết trong Hiệp định VN - EAEU FTA;
Trong trường hợp hàng hóa không kèm theo Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV, mức thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan được xác định theo các quy định về pháp luật thuế có liên quan của Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 530/TB-VPCP ngày 22/11/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Thông báo nêu, các kết quả triển khai Đề án 06 thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy quản trị đất nước tốt hơn và cung ứng dịch vụ công hiệu quả với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, tập trung xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp, của các cấp, các ngành, các địa phương được củng cố, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao các kết quả của Tổ công tác triển khai Đề án 06 nói chung, của Bộ Công an và các bộ, ngành và địa phương trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án nói riêng.
1- Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực. Cơ bản giải quyết được vấn đề điểm nghẽn thể chế, chính sách liên quan đến vấn đề kinh phí, đặc biệt là đầu tư dự án về công nghệ thông tin, mua sắm trang thiết bị,…
2- Thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên: Đã triển khai 49/76 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.
3- Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kích hoạt được trên 57,9 triệu tài khoản VNeID; kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp nhà nước. Đã tạo lập được 32,1 triệu sổ sức khỏe cho người dân, 15 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID; tiếp nhận và xử lý trên 81 nghìn hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, Đề án 06 còn tồn tại một số hạn chế như: Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chưa kịp thời; vẫn còn khoảng trống trong xây dựng các văn bản pháp lý cho chuyển đổi số nói chung và triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 nói riêng.
Dữ liệu chưa thực sự "đúng, đủ, sạch, sống"; tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ hiệu quả chưa cao, việc bảo đảm vận hành thông suốt giữa các hệ thống còn nhiều bất cập;
Việc triển khai các nhiệm vụ về số hóa dữ liệu đất đai, hộ tịch; tích hợp Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID; cung cấp các nhóm dịch vụ công liên thông điện tử ở một số địa phương còn chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Lãnh đạo các bộ, cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ của chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng. Trong đó, để giải quyết dứt điểm những nhiệm vụ chậm tiến độ trong thời gian vừa qua.
Các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo hoàn thiện các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng. Bám sát kế hoạch, lộ trình hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06, khắc phục các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả.
Đối với các bộ, ngành tập trung tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý; hệ thống hóa và hướng dẫn, tập huấn cụ thể về các quy định, tiêu chuẩn mới liên quan đến lĩnh vực phụ trách để việc áp dụng triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; giải đáp cụ thể các kiến nghị, đề xuất của các địa phương theo tổng hợp của Bộ Công an và gửi lại Tổ công tác để tổng hợp, hoàn thành trước ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Đối với các địa phương, các nhiệm vụ chậm tiến độ theo báo cáo của Bộ Công an, các địa phương tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực, nâng cấp hạ tầng số, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm hoàn thành trong năm 2024; nghiên cứu kinh nghiệm triển khai các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo của các địa phương khác trong thực hiện Đề án 06 và căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn để áp dụng triển khai hiệu quả, phù hợp.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai của các địa phương theo chỉ đạo./.