In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7/2025 (1)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7/2025 (1).

10/07/2025 17:51
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7/2025 (1)- Ảnh 1.

Trung tâm Triển lãm Quốc gia

Công điện của Thủ tướng về việc khẩn trương tập trung triển khai tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 107/CĐ-TTg ngày 10/7/2025 về việc khẩn trương tập trung triển khai tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh.

Công điện nêu rõ: Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh với chủ đề: "80 năm Hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" (sau đây gọi tắt là Triển lãm) là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tôn vinh lịch sử, giới thiệu những thành tựu nổi bật của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong quá trình bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước trong suốt 80 năm qua; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự đồng lòng, sáng tạo và nỗ lực của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối đổi mới và phát triển bền vững của đất nước, là dịp quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Thủ tướng đánh giá cao các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao để triển khai tổ chức Triển lãm. Thời gian từ nay đến ngày tổ chức Triển lãm không còn nhiều, quy mô tổ chức lớn, khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ tổ chức Triển lãm quan trọng này.

Bảo đảm toàn bộ công tác chuẩn bị hoàn thành trước ngày 15/8

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan trung ương có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc, khẩn trương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc được phân công theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Triển lãm và các Đề án, Chương trình, Kế hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tuyệt đối an toàn. Trong quá trình triển khai thực hiện bảo đảm "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả"; chủ động chỉ đạo xử lý các nhiệm vụ được giao, những khó khăn, vướng mắc (nếu có) theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Khẩn trương hoàn thiện, thống nhất nội dung đề cương trưng bày, maket thiết kế (3D) không gian trưng bày của cơ quan, địa phương mình, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp trước ngày 10/7/2025 và có kế hoạch điều phối, thi công lắp đặt, bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, thống nhất trong công tác tổ chức và triển khai.

Khẩn trương, tích cực triển khai tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến không gian trưng bày triển lãm của cơ quan, địa phương mình, bắt đầu từ ngày 10/7/2025 và yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/8/2025. Khuyến khích các bộ, ban, ngành, địa phương phát huy sự sáng tạo trong khu vực, không gian trưng bày triển lãm của cơ quan mình, bảo đảm vừa đẹp, vừa khoa học, vừa hấp dẫn, vừa phản ánh đúng bản chất thành tựu, vừa hài hòa với ý tưởng của đơn vị tư vấn đã thiết kế và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tổ chức Triển lãm theo Đề án được phê duyệt, đảm bảo nội dung và tiến độ theo kế hoạch; tập hợp ý kiến, đề xuất của các cơ quan, địa phương và xem xét, xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, bảo đảm toàn bộ công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm phải cơ bản hoàn thành trước ngày 15/8/2025.

Đồng thời, tổng hợp nội dung, ý tưởng thiết kế trưng bày của các ban, bộ, ngành, địa phương tham gia Triển lãm; xây dựng phương án chi tiết và triển khai các hạng mục trang trí khánh tiết, cổ động trực quan. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kế hoạch tổ chức Lễ khai mạc, Lễ bế mạc, các chương trình, hoạt động trước và trong thời gian diễn ra Triển lãm.

Chủ trì, phối hợp với tư vấn quốc tế xây dựng kế hoạch quản lý, vận hành trước và trong thời gian diễn ra Triển lãm, hoàn thiện phương án tổng thể không gian triển lãm, trước ngày 20/7/2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối bố trí kinh phí tổ chức Triển lãm của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan, hoàn thành trước ngày 10/7/2025.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan khẩn trương có văn bản hướng dẫn về đơn giá, định mức chi tiêu, cơ chế lựa chọn nhà thầu, cơ chế đặc thù (nếu có) và các vấn đề liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Triển lãm đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành trước ngày 10/7/2025.

Các Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Quốc phòng, Công an đẩy nhanh tiến độ việc mời các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và sớm gửi danh sách các đơn vị tham gia về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, có phương án bố trí không gian trưng bày phù hợp với thiết kế tổng thể của Triển lãm, hoàn thành trước ngày 10/7/2025.

Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan xây dựng phương án, tổ chức truyền hình trực tiếp Lễ khai mạc, Lễ bế mạc Triển lãm và chủ trì cùng các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc phục vụ và tôn vinh các giá trị của triển lãm quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính chủ trì, tiếp tục chỉ đạo công tác triển khai tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính những vấn đề vượt thẩm quyền.

Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng không nhân dân

Chính phủ ban hành Nghị định số 198/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng không nhân dân.

Nghị định này quy định chi tiết khoản 4 Điều 9, khoản 6 Điều 38 và Điều 44 Luật Phòng không nhân dân về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không; chế độ chính sách đối với người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân và nội dung quản lý nhà nước về phòng không nhân dân.

Chế độ tiền lương, tiền công, tiền ăn, phụ cấp đặc thù đối với người được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân

Nghị định quy định về chế độ tiền lương, tiền công, tiền ăn, phụ cấp đặc thù đối với người được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân như sau:

1- Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe. Khi làm việc trong môi trường độc hại hoặc nơi có phụ cấp khu vực thì được hưởng theo chế độ hiện hành;

Người lao động hợp đồng trong thời gian tham gia tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ tiền lương, phụ cấp theo quy định;

Chi phí cho các khoản nói trên được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

2- Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn và phụ cấp đặc thù như đối với dân quân được huy động làm nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ. Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.

3- Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan huy động trả tiền trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn, phụ cấp đặc thù và các chế độ khác theo quy định tại 1 ở trên; tiền lương do doanh nghiệp, tổ chức chi trả và được tính vào chi phí quản lý sản xuất, kinh doanh.

4- Đối với dân quân tự vệ, quân nhân dự bị chưa được sắp xếp vào các đơn vị dân quân tự vệ, dự bị động viên khi được huy động thực hiện nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ, dự bị động viên.

Nghị định nêu rõ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định mức chi cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng không nhân dân cao hơn định mức chi chung theo quy định của pháp luật. Khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì thực hiện theo mức tham chiếu do Chính phủ quy định.

Chế độ, chính sách đối với người được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân bị ốm đau, tai nạn hoặc chết

Nghị định quy định người khi được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, tai nạn hoặc chết trong thời gian tập trung tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động, tử tuất theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian tính từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành, về đến nơi cư trú hoặc từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi bị ốm đau, tai nạn hoặc chết.

Còn người khi được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, tai nạn hoặc chết trong thời gian tập trung tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân thì được hưởng chế độ, chính sách như dân quân không tham gia đóng bảo hiểm khi làm nhiệm vụ bị ốm đau, tai nạn hoặc chết.

Đối với người tự nguyện tham gia hoạt động phòng không nhân dân được hưởng các chế độ như các đối tượng được cấp có thẩm quyền huy động nếu đủ các điều kiện sau đây:

- Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý xác nhận nhân thân, thời gian tự nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân có trong kế hoạch tổ chức thực hiện hoặc lịch công tác thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân của cấp trực tiếp quản lý người tự nguyện đó;

- Được người chỉ huy hoặc phụ trách lực lượng phòng không nhân dân (tổ, đội) và cấp trên của người chỉ huy trực tiếp người tự nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân xác nhận thời gian thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân;

- Người tự nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân chấp nhận chế độ được hưởng theo quy định của pháp luật.

Nghị định nêu rõ điều kiện, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh, chế độ, chính sách cho người tham gia làm nhiệm vụ phòng không nhân dân nếu bị ốm đau, bị tai nạn hoặc chết thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với dân quân tự vệ, dự bị động viên khi được huy động làm nhiệm vụ.

Trường hợp dùng chất kích thích hoặc thực hiện các hành vi khác hủy hoại sức khỏe, tính mạng hoặc sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật thì không được hưởng các chế độ quy định ở trên.

Điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục công nhận người hưởng chính sách như thương binh; công nhận liệt sĩ

Nghị định quy định người lao động trong thời gian được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân nếu bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người có công với cách mạng; Điều 34 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết, biện pháp thi hành Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng thì được xem xét, công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nếu bị chết thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14; Điều 14 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP thì được xem xét, công nhận liệt sĩ.

Hồ sơ, thủ tục công nhận người hưởng chính sách như thương binh, công nhận liệt sĩ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 22/8/2025.

Quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, Nghị định quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của: Chủ tịch UBND, Thủ trưởng cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo chuyên ngành, lĩnh vực và một số chức danh khác; Thanh tra; Công an nhân dân; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Quản lý thị trường; cơ quan thuế; Kiểm lâm; Kiểm ngư; cơ quan thi hành án dân sự;...

Thẩm quyền của Chủ tịch UBND

Theo quy định, Chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu (cấp xã) có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (cấp tỉnh) có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Giám đốc sở có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 80% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thẩm quyền của Công an nhân dân

Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định ở trên.

Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định ở trên; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và e khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trưởng đồn Công an, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp tiểu đoàn, Thủy đội trưởng, Trưởng trạm, Đội trưởng có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 30% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định ở trên; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a,c,đ và e khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trưởng Công an cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh nội địa có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 80% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Công an cấp tỉnh có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt giống như Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh nội địa và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt giống Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội... như ở trên và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 09/7/2025 thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang.

Theo Quyết định này, thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang (sau đây viết tắt là Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu, trừ khu kinh tế đặc khu Phú Quốc), khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong các khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu, trừ khu kinh tế đặc khu Phú Quốc), khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu hình Quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý

Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; bãi bỏ Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang và Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang.

Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại buổi làm việc Đoàn kiểm tra số 03 về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 359/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại buổi làm việc Đoàn kiểm tra số 03 về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Thông báo nêu: Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược và đặt mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy triển khai các dự án xây dựng đường bộ cao tốc. Ngày 18 tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc"; ngày 01 tháng 3 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ thành lập 07 Đoàn Kiểm tra về rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc.

Các dự án của Đoàn kiểm tra số 03 gồm: đoạn Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong – Nha Trang thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự án thành phần 1 và dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với tổng chiều dài khoảng 199,3 km (chiếm khoảng 20% tổng số km đường cao tốc phải hoàn thành trong năm 2025). Vì vậy, việc hoàn thành 04 dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Tập trung thi công để đưa các dự án, đoạn tuyến vào khai thác trong năm 2025

Từ lần kiểm tra trước (ngày 12 tháng 3 năm 2025), đến nay các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 17 tháng 3 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ, đã hoàn thành 07/14 nhiệm vụ, đang triển khai 02 nhiệm vụ trong hạn và còn 05 nhiệm vụ chưa hoàn thành (liên quan đến công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện 220KV, 500KV và giải phóng mặt bằng phần bổ sung các nhánh nút giao, cải mương). Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng; có nhiều giải pháp quyết liệt giải quyết tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc phạm vi của Đoàn kiểm tra số 3.

Hiện nay, các địa phương bắt đầu vận hành chính quyền hai cấp, cần tập trung chỉ đạo để hệ thống vận hành thông suốt, có hiệu quả, bám sát hướng dẫn của các bộ, ngành để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Phó Thủ tướng yêu cầu từng cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để hoàn thành và bù lại tiến độ, quyết tâm khắc phục các khó khăn về thời tiết, xử lý nền đất yếu, tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực, tập trung thi công để đưa các dự án, đoạn tuyến vào khai thác trong năm 2025 theo đúng kế hoạch.

Cụ thể, đối với Dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ di dời 04 cột/03 vị trí giao chéo đường điện 220kV; đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu bám sát tiến độ hoàn thành 20 km đầu tuyến trong năm 2025; tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính để tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra.

Đối với Dự án thành phần 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích 10 ha còn lại trong tháng 8 năm 2025 theo đúng cam kết, đẩy nhanh công tác di dời đường điện cao thế không để ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.

Đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu bám sát tiến độ hoàn thành Dự án trước ngày 19 tháng 12 năm 2025; tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ thi công, không để tình hình bất lợi thời tiết ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tăng cường hơn nữa công tác thi công móng, mặt đường, thi công hoàn thành đến đâu, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông đến đó, đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra.

Đối với Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong và Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành đoạn còn lại của Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang trước ngày 30 tháng 7 năm 2025 theo đúng cam kết; hoàn thành toàn bộ các đoạn tuyến không phải xử lý nền đất yếu Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong trước ngày 30 tháng 7 năm 2025; theo dõi chặt chẽ diễn biến lún, có giải pháp tăng tải để rút ngắn thời gian chờ lún, tập trung nhân lực, vật lực, máy móc thiết bị, thi công "3 ca, 4 kíp" để hoàn thành dự án đúng kế hoạch đề ra.

Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ để bảo đảm khai thác đồng bộ các Dự án khi đưa vào khai thác sử dụng theo quy định.

Tăng cường thanh kiểm tra, chống thông thầu, mua bán thầu

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan và địa phương có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ quyền hạn giải quyết các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết; đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống thông thầu, mua bán thầu…

Bộ Xây dựng thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để báo cáo Trưởng đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra.

Các địa phương, Chủ đầu tư căn cứ tiến độ thực hiện các dự án, đăng ký khánh thành các dự án vào ngày 19 tháng 8 năm 2025 nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2025.

Xử lý kiến nghị của tỉnh Ninh Bình

Văn phòng Chính phủ có văn bản 6379/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Thành Long về việc xử lý kiến nghị của tỉnh Ninh Bình tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Văn bản nêu rõ, về một số kiến nghị, đề xuất của 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình (nay là tỉnh Ninh Bình) tại Thông báo số 240-TB/VPTW ngày 28/6/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long có ý kiến như sau:

Về kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch sử dụng đất để triển khai nhanh các dự án, sau đó thực hiện cập nhật vào quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường để nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo thực hiện phân cấp, phân quyền cho địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời có văn bản hướng dẫn, trả lời địa phương trước ngày 30/7/2025.

Về kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không thông qua đấu giá cho nhà đầu tư để thực hiện các dự án trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của tỉnh trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Địa chất và Khoáng sản, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Về kiến nghị cho phép tỉnh quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng một số dự án du lịch, sân golf tại các vùng chiêm trũng (đất lúa một vụ), sản xuất không hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện rà soát, lập điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch để có cơ sở triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Về kiến nghị cho phép tỉnh Ninh Bình lập quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí hóa lỏng, điện gió, cảng hàng không quốc tế, cảng biển nước sâu chuyên dụng, cảng biển phục vụ cho du lịch, 9 cây cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì nội dung kiến nghị về lập quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí hóa lỏng, điện gió.

Bộ Xây dựng chủ trì nội dung kiến nghị về lập quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu chuyên dụng, cảng biển phục vụ cho du lịch; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu xử lý và có văn bản trả lời địa phương trước ngày 30/7/2025.

Về quy hoạch cảng hàng không quốc tế và 9 cây cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 6227/BXD-KHTC ngày 3/7/2025 báo cáo Lãnh đạo Chính phủ; đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện sau khi có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về nội dung này.

Về hỗ trợ nguồn ngân sách trung ương cho tỉnh khoảng 30 nghìn tỷ đồng (khoảng 10%), Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về kiến nghị ủy quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương điều chỉnh các dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nằm trong vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt, vùng đệm của di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xử lý và có văn bản trả lời địa phương trước ngày 30/7/2025.

Ủy ban nhân dân Ninh Bình và các bộ, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện đầy đủ nội dung kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 240-TB/VPTW ngày 28/6/2025 và các nhiệm vụ nêu tại Văn bản này; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền./.