Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 11/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản về khai thác khoáng sản nhóm IV.
Nghị định này quy định chi tiết về thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; việc gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; cơ quan thẩm định, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; việc bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV; việc xử lý đối với phần khoáng sản dôi dư quy định tại điểm d khoản 2 Điều 73 Luật Địa chất và khoáng sản.
Nghị định nêu rõ, giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV (gọi là giấy phép khai thác) cấp cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản có thời hạn tối đa không quá 10 năm, bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Thời hạn của giấy phép khai thác có thể được gia hạn nhiều lần theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 5 năm.
Giấy phép khai thác cấp cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản có thời hạn tối đa bằng với thời hạn thực hiện của dự án, công trình sử dụng khoáng sản ghi trong giấy phép khai thác, bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác. Thời hạn của giấy phép khai thác có thể được gia hạn nhiều lần theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này, nhưng tổng thời gian cấp và gia hạn không vượt quá thời hạn thực hiện (kể cả thời hạn được gia hạn, điều chỉnh) của dự án, công trình sử dụng khoáng sản ghi trong giấy phép khai thác.
Bộ phận một cửa là cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ khi hồ sơ đủ thành phần theo quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần, bộ phận một cửa không tiếp nhận hồ sơ và nêu rõ lý do không tiếp nhận trong phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính.
Cơ quan chuyên môn về địa chất, khoáng sản thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác.
Việc yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác được thực hiện như sau:
Trong quá trình thẩm định, trình hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác, trường hợp phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện, trong đó nêu rõ nội dung cần bổ sung, hoàn thiện. Việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ chỉ thực hiện một lần. Trường hợp hồ sơ sau hoàn thiện không đáp ứng theo yêu cầu bổ sung, hoàn thiện lần đầu thì có thể đề nghị bổ sung, hoàn thiện lại, nhưng không được phát sinh nội dung yêu cầu mới.
Thời gian hoàn thiện, bổ sung hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định, trình cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác.
Trường hợp sau khi bổ sung, hoàn thiện lại mà hồ sơ vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định, cơ quan thẩm định hồ sơ dừng thẩm định và trả lại hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp này được quyền nộp lại hồ sơ nhưng sẽ được tính là hồ sơ nộp mới.
Điều kiện cấp giấy phép khai thác
Điều kiện cấp giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản như sau:
a) Có quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư,
b) Có quyết định phê duyệt báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Phù hợp với nguyên tắc khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản;
d) Khu vực đề nghị cấp giấy phép khai thác đã có kết quả khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV hoặc kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận hoặc phê duyệt;
đ) Có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định.
Điều kiện cấp giấy phép khai thác cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản như sau: Đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm c, điểm d nêu trên; có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định.
Bảo vệ, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV
Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản phải thực hiện thủ tục về môi trường và thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tổ chức khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản phải thực hiện các yêu cầu sau: Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án khai thác khoáng sản; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác; cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án khai thác khoáng sản khi kết thúc khai thác khoáng sản.
Việc hoàn trả tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường cho tổ chức khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chính phủ ban hành Nghị định 13/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) giai đoạn 2022 - 2027 đã sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 68/2023/NĐ-CP ngày 07/9/2023 của Chính phủ.
Nghị định 13/2025/NĐ-CP bổ sung các quy định về thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ-xy và Đảo Man) hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ-xy và Đảo Man).
Theo đó, thuế suất áp dụng cho Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ-xy và Đảo Man) giai đoạn 2024 - 2027 quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 115/2022/NĐ-CP:
a) Từ ngày 15/12/2024 đến hết ngày 31/12/2024 tại cột có ký hiệu "(IV)".
b) Từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025 tại cột có ký hiệu "(V)".
c) Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2026 tại cột có ký hiệu "(VI)".
d) Từ ngày 01/01/2027 đến hết ngày 31/12/2027 tại cột có ký hiệu "(VII)".
Bên cạnh đó, Nghị định 13/2025/NĐ-CP bổ sung các quy định về điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ-xy và Đảo Man) hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai- len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ- xy và Đảo Man).
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/01/2025 đến hết ngày 31/12/2027.
Nghị định số 115/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2022 - 2027, Nghị định số 68/2023/NĐ-CP ngày 07/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2027.
Nghị định nêu rõ, đối với các tờ khai hải quan của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai- len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ- xy và Đảo Man) hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai- len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ- xy và Đảo Man) đăng ký từ ngày 15/12/2024 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này, Nghị định số 115/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 68/2023/NĐ-CP và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23/1/2025 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 (Kế hoạch).
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh; tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.
Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, huy động nguồn lực trong thực hiện kinh tế tuần hoàn
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng: phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản) tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN.
Công suất các nhà máy điện từ nguồn sinh khối, chất thải rắn đến năm 2030 đạt 2.270 MW, tương ứng 1,5% tổng công suất các nhà máy điện. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp phấn đấu đạt từ 47%. Đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý đạt 80%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom giảm dưới 50%.
Đồng thời, chú trọng, nâng cao khía cạnh kinh tế, gia tăng lợi ích, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và huy động nguồn lực trong thực hiện kinh tế tuần hoàn: Các mô hình sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tái sử dụng, tái chế chất thải, mô hình sản xuất kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn được xây dựng, nhân rộng, phát triển phù hợp từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền và ở từng cấp độ; hình thành, phát triển chuỗi giá trị mới, bền vững gắn với giá trị gia tăng cao, tạo ra nhiều việc làm mới thông qua áp dụng kinh tế tuần hoàn; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực từ tín dụng xanh, trái phiếu xanh và nguồn lực hợp pháp khác cho các dự án đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đến năm 2035, hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn bao trùm gắn với đổi mới, sáng tạo, năng lực cạnh tranh cao, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; Việt Nam trở thành một trong các trung tâm đổi mới sáng tạo, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ và huy động vốn đầu tư cho kinh tế tuần hoàn trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Góp phần thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2035 và các giai đoạn tiếp theo trong các Văn kiện của Đảng, chiến lược, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch là nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn, bao gồm truyền thông, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, pháp luật về thực hiện kinh tế tuần hoàn; lồng ghép các nội dung giáo dục về kinh tế tuần hoàn vào chương trình giáo dục các cấp học, bậc học; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn. Tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch hành động, lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển, quản lý chất thải của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương.
Hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Hỗ trợ hình thành, phát triển thị trường cho các hàng hóa, dịch vụ liên quan đến kinh tế tuần hoàn
Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Trong đó, hỗ trợ thực hiện thiết kế sinh thái để đạt tiêu chí của kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ hình thành và phát triển thị trường cho các hàng hóa, dịch vụ liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong hoạt động tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Tăng cường quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trong đó, thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình quản lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035
Theo Kế hoạch, các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035, bao gồm: Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản; năng lượng; khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; hóa chất; xây dựng; giao thông vận tải; dịch vụ và du lịch; quản lý chất thải; phát triển khu đô thị, khu dân cư tập trung; khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai Kế hoạch hành động quốc gia; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, khung hướng dẫn kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn của các ngành, lĩnh vực, địa phương; xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 23/01/2025 điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II - diện tích 250ha, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Theo Quyết định, điều chỉnh tổng mức đầu tư là 2.347.151.485.026 đồng (tăng 589.375.485.026 đồng).
Điều chỉnh nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách Nhà nước và vốn huy động từ nguồn vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất.
Nguồn vốn và khả năng cân đối vốn: Dự án có tổng mức đầu tư tăng thêm 589.375.485.026 đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương cân đối.
Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2025.
Điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án: Xã Tân Quang, xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm xác định giá trị tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng
Quyết định nêu rõ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm toàn diện về việc xác định giá trị tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh tổng mức đầu tư, sử dụng nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật, về việc kéo dài thời gian thực hiện dự án nếu ảnh hưởng đến các chi phí đầu tư, cơ hội đầu tư, hiệu quả đầu tư (nếu có).
Thực hiện trách nhiệm giám sát, đánh giá dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chỉ đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh của Dự án nêu trên, trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 01/QĐ-BĐMDN ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này.
Quy chế này quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động; trách nhiệm của thành viên, nhiệm vụ của cơ quan thường trực và bộ phận giúp việc; chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo). Quy chế này áp dụng đối với các thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương, cá nhân, tổ chức có liên quan.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện; bảo đảm yêu cầu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thành viên được pháp luật quy định.
Các thành viên Ban Chi đạo đề cao trách nhiệm cá nhân trong hoạt động của Ban Chỉ đạo và trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và Quy chế này. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo; thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về những nhiệm vụ được phân công.
Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 04/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và quy định của pháp luật liên quan.
Theo Quy chế, Trưởng Ban Chỉ đạo có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; trong trường hợp cần thiết, phân công, ủy quyền cho Phó Trưởng ban giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình.
Xem xét, quyết định kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; triệu tập, chủ trì, kết luận các cuộc họp, làm việc của Ban Chỉ đạo để quyết định những vấn đề theo nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Phó Trưởng ban Thường trực giúp Trưởng ban điều hành các hoạt động của Ban Chỉ đạo; xem xét, giải quyết các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; thay mặt Trưởng ban chủ trì, điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng ban ủy quyền; chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các vấn đề được phân công, ủy quyền.
Phó Trưởng ban chuyên trách tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực về lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công; chủ động nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất (trực tiếp hoặc bằng văn bản) với Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực theo nhiệm vụ được giao về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, chuẩn bị ý kiến đóng góp về các vấn đề thuộc nội dung chương trình họp của Ban Chỉ đạo.
Các ủy viên Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực về lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công; chủ động đề xuất, kiến nghị với Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực về các chủ trương, chính sách, giải pháp để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; về các vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao; tham gia công tác chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của bộ, cơ quan mình.
Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đầu mối giúp Ban Chi đạo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; giúp Trưởng ban điều hành, điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; theo dõi, đôn đốc các ủy viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Chủ trì hướng dẫn xây dựng và tổng hợp, trình Trưởng ban về kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo. Tham mưu, đề xuất Trưởng ban chủ trì các cuộc họp, làm việc của Ban Chỉ đạo; đề xuất thời gian, địa điểm, thành phần tham gia; chuẩn bị nội dung, báo cáo, tài liệu, chương trình, kịch bản, dự thảo nội dung phát biểu khai mạc và kết luận của Trưởng ban, công tác hậu cần phục vụ các cuộc họp, làm việc của Ban Chỉ đạo...
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cụ thể, tại Quyết định số 219/QĐ-TTg, ngày 22/1/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm lại ông Vũ Hải Quang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tại Quyết định số 216/QĐ-TTg, ngày 22/1/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm lại ông Phạm Mạnh Hùng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.