Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 22/1/2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Công điện số 05/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025.
Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam.
Nội dung công điện như sau:
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao; tại các khu vực lễ hội Tết, lễ hội xuân tập trung lượng lớn người tham gia, có nhiều nguy cơ mất an toàn, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân 2025, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trong đó lưu ý một số nội dung trọng tâm sau đây:
1. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương:
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; chú trọng tuyên truyền chế tài xử phạt. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định.
- Bộ Y tế: Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm; chuẩn bị phương án cấp cứu, giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng điều trị người bệnh trong các sự kiện tập trung đông người, ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn nông dân, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, tập trung kiểm tra các thực phẩm có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết, lễ hội xuân như giò, chả, rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản.
- Bộ Công Thương: Tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia; tăng cường kiểm tra, phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp Tết, mùa lễ hội.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng hải quan, quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập khẩu thực phẩm trái phép qua biên giới, hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, các điển hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống, phổ biến cách nhận diện và phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tham gia truyền thông, giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu dân cư; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; vận động nhân dân thay đổi các tập quán ăn uống lạc hậu trong các ngày lễ hội, ngày Tết; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không ăn tiết canh và thức ăn chưa được nấu chín; không uống rượu tự ngâm các loại cây, củ, rễ, nội tạng động vật, mật động vật, rượu không có nguồn gốc xuất xứ, gây ra ngộ độc do rượu, methanol và các độc tố từ các vật ngâm trong rượu; không lạm dụng rượu bia trong ngày Tết, ngày lễ hội.
- Đẩy mạnh kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng tần suất kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất, kinh doanh thịt, cá, mứt, bánh, kẹo, rượu,... Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn theo quy định.
- Chính quyền địa phương các đô thị lớn, nơi lễ hội có lượng lớn người tham gia phải tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu lễ Tết, lễ hội xuân. Sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về sự cố mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra trên địa bàn.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có văn bản số 16/2025/TTĐT báo cáo thông tin báo chí phản ánh liên quan đến quy trình tuyển dụng lao động người nước ngoài; cấp phép, đăng ký thuốc; chương trình giáo dục phổ thông.
Cụ thể, báo chí phản ánh: Báo cáo hoạt động năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đánh giá Nghị định số 70/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP) đã tháo gỡ nhiều bất cập trong quá trình tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, Nghị định số 70/2023/NĐ-CP vẫn còn một số vướng mắc khi triển khai thực hiện. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp (DN) có ý kiến đối với quy định phải đăng thông báo tuyển lao động Việt Nam trước khi xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Để thực hiện việc kết nối tuyển dụng theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM mở riêng một chuyên mục tuyển dụng trên Cổng Thông tin việc làm Thành phố để đăng tải các thông báo tuyển dụng công khai của các DN. Từ ngày 1/1/2024 đến 30/12/2024, Trung tâm đã thực hiện tiếp nhận 7.674 DN thông báo tuyển dụng lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài với 22.513 vị trí tuyển dụng. Chức danh công việc mà các DN tuyển dụng là quản lý, chuyên gia, lao động chuyên môn kỹ thuật với mức lương trung bình là 45 triệu đồng/tháng. Trong thời gian đó có 2.947 lượt lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển các vị trí tuyển dụng trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có người nào trúng tuyển. Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định đăng thông báo tuyển lao động Việt Nam trước khi xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với các chức danh đặc thù liên quan đến người đại diện theo pháp luật, thành viên công ty, người tham gia góp vốn...
Về cấp phép, đăng ký thuốc, theo báo chí phản ánh: Trong 11 tháng năm 2024, Cục Quản lý Dược đã cấp và gia hạn cho 12.333 thuốc theo quy định của Luật Dược, gần bằng số cấp gia hạn trong 5 năm gần đây. Bộ Y tế cũng đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cơ chế cấp số đăng ký mang tính đột phá, gia hạn gần như tự động. Trước đây, cấp một số đăng ký thuốc phải nộp 6 - 7 loại giấy tờ, nay chỉ cần 3 giấy tờ đơn giản. Sau 3 tháng, nếu Cục Quản lý Dược không trả lời, doanh nghiệp (DN) vẫn được bán và lưu hành thuốc đó. Đại diện một DN chuyên nhập khẩu thuốc cho biết, so với những năm trước, việc cấp số đăng ký thuốc tại Cục Quản lý Dược hiện đã nhanh hơn. Đây là điều DN mong mỏi để bảo đảm cung ứng thuốc và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, DN đề nghị trong quá trình đăng ký thuốc DN cần biết hồ sơ đang ở đâu, tình trạng giải quyết đến mức độ nào và Cục Quản lý Dược trả lời sớm việc hồ sơ này có đạt hay không, cần bổ sung gì theo hướng nhanh gọn, không "ngâm" hồ sơ hàng năm.
Về chương trình giáo dục phổ thông, theo phản ánh của báo chí: Thông tư mới số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dù nhận được nhiều sự đồng tình song vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng gốc rễ của viêc dạy thêm, học thêm chính là chương trình học tập còn nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến. Với chương trình sách giáo khoa mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT mới, cách xét tuyển đại học (ĐH) mới, tỉ lệ "chọi" vào các trường ĐH uy tín ngày càng khốc liệt, về lâu dài, khi chương trình giáo dục không nặng chuyện thi cử, kiểm tra, đánh giá, dạy theo đúng tinh thần phát huy năng lực, phẩm chất của người học thì dạy thêm, học thêm sẽ trả về đúng bản chất xưa kia. Đó là khi học sinh thấy mình thiếu hụt kiến thức gì thì học thêm để bổ sung kiến thức đó hoặc muốn giỏi thêm nữa thì học thêm. Còn khi chương trình vẫn nặng về đúng - sai, học chỉ để phục vụ các kỳ thi thì dạy thêm, học thêm sẽ còn biến tướng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát, kiểm tra, nắm bắt thông tin báo chí phản ánh về các vấn đề nêu trên để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành; báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền./.