In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2024 (2)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2024 (2).

25/10/2024 21:26
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2024 (2)- Ảnh 1.

Thanh lý rừng trồng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Nghị định quy định về thanh lý rừng trồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 140/2024/NĐ-CP ngày 25/10/2024 quy định về thanh lý rừng trồng.

Nghị định quy định rõ 2 nguyên nhân được thanh lý rừng trồng gồm:

1- Do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai, sự cố, thảm họa khác.

2- Do dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng.

Các trường hợp rừng trồng được thanh lý

Nghị định nêu rõ rừng trồng được thanh lý trong các trường hợp sau:

- Rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định ở trên và không đáp ứng các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh.

- Rừng trồng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định ở trên và không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng. Chỉ khai thác tận dụng hoặc chặt bỏ đối với những cây không còn khả năng phục hồi; những cây còn khả năng phục hồi được thống kê, kiểm đếm và đề xuất giải pháp phục hồi tại Phương án thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Hình thức thanh lý rừng trồng

Nghị quy định rừng trồng được thanh lý theo hình thức sau:

1- Chặt bỏ, vệ sinh rừng đối với rừng trồng không có giá trị lâm sản;

2- Bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản.

3- Căn cứ vào từng loại rừng theo từng trường hợp thanh lý ở trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng lựa chọn hình thức thanh lý rừng trồng phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương và thực hiện khai thác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Nguyên tắc thanh lý rừng trồng

Nghị định nêu rõ, thanh lý rừng trồng phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Tuân thủ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; pháp luật về quản lý đầu tư công và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Thực hiện thanh lý rừng trồng bảo đảm kịp thời, tránh làm thất thoát, lãng phí kinh phí và tài sản; Thực hiện thanh lý đối với diện tích rừng trồng bị thiệt hại và đảm bảo có đầy đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật và phục hồi rừng sau thanh lý theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2024 (2)- Ảnh 2.

Phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 25/10/2024 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.

Phấn đấu doanh thu toàn EVN đến hết năm 2025 tăng trưởng bình quân 7-10%

Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào doanh nghiệp khác; chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực cung cấp điện theo quy định; giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo; tối đa hoá hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.

Làm nòng cốt để ngành Điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; tiếp tục tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện theo lộ trình Chính phủ quy định.

Đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu toàn Tập đoàn đến hết năm 2025 tăng trưởng bình quân từ 7 - 10%, nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn trên 23.000 tỷ đồng/năm và hoàn thành các chỉ tiêu theo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2024.

Xây dựng thành công hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.

Đẩy mạnh cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp

Đề án xác định rõ định hướng và các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn đến hết năm 2025.

Theo đó, các ngành, nghề kinh doanh thực hiện theo Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN, Nghị định số 105/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2022/NĐ-CP và Nghị định số 26/2018/NĐ-CP và các văn bản điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế liên quan đến tổ chức và hoạt động của EVN được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định pháp luật.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như hoàn thiện thể chế quản lý; tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác dự báo, quản trị rủi ro; nâng cao năng lực công tác kiểm toán giám sát, thanh tra; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém thua lỗ thuộc EVN theo quy định.

Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện thể chế quản lý, cơ chế, chính sách theo hướng tăng tính chủ động cho EVN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Áp dụng quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế tại EVN và các đơn vị thành viên.

Về phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý, EVN sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành; thực hiện đổi mới mô hình tổ chức hướng đến giảm lao động quản lý gián tiếp tại cấp quản lý trung gian, đơn vị cấp dưới để đảm bảo tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả và hạn chế chồng chéo các chức năng nhiệm vụ tại Công ty mẹ; nghiên cứu tổ chức phòng điều khiển trung tâm (OCC) để điều khiển tập trung nhà máy thủy điện và năng lượng tái tạo.

Cơ cấu lại tài chính và tăng cường công tác quản trị tài chính

Theo Đề án, EVN sẽ xây dựng Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, kế hoạch tài chính đảm bảo sử dụng tối ưu, hiệu quả, linh hoạt các nguồn vốn huy động được với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính và các chỉ tiêu theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng cho vay vốn trong và ngoài nước;

Xây dựng phương án tài chính, phương án cân đối vốn và dòng tiền để phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các giải pháp đến tình hình tài chính của EVN, khả năng cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển các dự án điện quan trọng đến hết năm 2025;

Nghiên cứu cơ chế tài chính của EVN trong giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Xây dựng phương án tách bạch về tổ chức và hạch toán chi phí của bộ phận phân phối và bán lẻ điện thuộc các Tổng công ty Điện lực theo lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; xây dựng cơ chế giá bán buôn điện giữa Công ty mẹ - EVN với các đơn vị kinh doanh phân phối điện phù hợp với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường...

Kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên

Theo Kế hoạch, Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phù hợp Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; giữ nguyên các đơn vị trực thuộc (trừ Công ty Nhiệt điện Thái Bình và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4).

Công ty Nhiệt điện Thái Bình thực hiện sáp xếp theo Đề án riêng về thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thành lập.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thực hiện sắp xếp theo Đề án riêng về thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thành lập.

Doanh nghiệp do EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực miền Nam; Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng công ty Phát điện 1; Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức.

Doanh nghiệp do EVN duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4; Tổng công ty Phát điện 2 - CTCP; Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP.

Doanh nghiệp do EVN duy trì tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP; Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3.

Lộ trình đến hết năm 2025 hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại EVN

Về lộ trình thực hiện, EVN tập trung thực hiện cơ cấu lại tổ chức và sở hữu, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại EVN và các đơn vị thành viên EVN theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối tại các công ty con thuộc lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính của EVN (sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối và kinh doanh điện, tư vấn xây dựng điện) đến năm 2025 phù hợp với tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước.

Đến hết năm 2025, mô hình tổ chức, bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu quả, cân bằng tài chính; năng suất lao động bình quân hàng năm tăng trên 8%/năm; quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế; có trình độ công nghệ hiện đại, trở thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025; hoàn thành nghiên cứu và triển khai chuyển dịch năng lượng; phát triển bền vững và có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Sửa đổi Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 25/10/2024 sửa đổi Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (Ban Chỉ đạo).

Theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, thay đồng chí Trần Lưu Quang, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Cũng theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Tài chính là Ủy viên Ban Chỉ đạo thay đồng chí Hồ Đức Phớc đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 1272/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 25/10/2024.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2024 (2)- Ảnh 3.

Tân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc.

Phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 25/10/2024 phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Huy Ngọc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2024./.