Chính phủ ban hành Nghị định 160/2024/NĐ-CP về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, trong đó quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh của cơ sở đào tạo lái xe ô tô.
Người đứng đầu cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp
Nghị định nêu rõ, cơ sở đào tạo lái xe là loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hoặc cơ sở giáo dục.
Nhân lực của cơ sở đào tạo gồm: Người đứng đầu cơ sở đào tạo; các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ; các tổ bộ môn; các đơn vị phục vụ đào tạo.
Trong đó, người đứng đầu cơ sở đào tạo lái xe ô tô là hiệu trưởng hoặc giám đốc đại diện cho đơn vị trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của cơ sở đào tạo lái xe ô tô.
Người đứng đầu cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên; đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Đối với giáo viên, Nghị định quy định: Cơ sở đào tạo phải có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, dạy thực hành đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Số lượng giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng kế hoạch sử dụng các xe tập lái dùng để đào tạo.
Cơ sở vật chất diện tích tối thiểu 1.000 m2
Về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, Nghị định yêu cầu cơ sở đào tạo phải có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích sử dụng hợp pháp tối thiểu là 1.000 m2.
Hệ thống phòng học chuyên môn
Nghị định quy định cụ thể các điều kiện đối với hệ thống phòng học chuyên môn. Cụ thể:
Phòng sử dụng học lý thuyết: có các trang thiết bị làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về các nội dung: pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông và phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ; trường hợp các thiết bị công nghệ thông tin chưa mô tả hệ thống báo hiệu đường bộ, sa hình, thì phải có hệ thông tranh vẽ. Diện tích phòng học không nhỏ hơn 48 m2/phòng;
Phòng sử dụng học kỹ thuật ô tô: có các thiết bị công nghệ thông tin làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về cấu tạo, sửa chữa thông thường và kỹ thuật lái xe, kiến thức mới về nâng hạng; có mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực và hệ thống điện; có trang bị đồ nghề chuyên dùng để hướng dẫn học sinh thực hành tháo lắp lốp, kiểm tra dầu xe, nước làm mát; có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng; có cabin học lái xe; trường hợp các thiết bị công nghệ thông tin chưa có sơ đồ mô tả cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thông lái, các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái...), thì phải có hệ thống tranh vẽ; diện tích phòng học không nhỏ hơn 100 m2/phòng. Trường hợp, mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thông điện; khu vực hướng dẫn học sinh thực hành tháo lắp lốp, kiểm tra dầu xe, nước làm mát; xe ô tô để tập số nguội, số nóng; cabin học lái xe ô tô được bố trí ở khu vực riêng biệt thì diện tích phòng học không nhỏ hơn 48 m2/phòng;
Nghị định cũng nêu rõ: Hệ thống phòng học chuyên môn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng phòng học lý thuyết và phòng sử dụng học kỹ thuật ô tô phù hợp với lưu lượng, hình thức và chương trình đào tạo; số lượng phòng học tính theo lưu lượng học viên; được xác định theo nguyên tắc 01 phòng sử dụng học lý thuyết và 01 phòng sử dụng học kỹ thuật ô tô đáp ứng tối đa lưu lượng 500 học viên.
Cơ sở đào tạo phải có xe tập lái thuộc quyền sử dụng hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép
Nghị định yêu cầu cơ sở đào tạo phải có xe tập lái của các hạng được phép đào tạo, thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng phải bảo đảm số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy thực hành lái xe;
Xe tập lái các hạng phải sử dụng các loại xe tương ứng với hạng giấy phép lái xe quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó: xe tập lái hạng B gồm xe sử dụng loại chuyển số tự động (bao gồm cả ô tô điện) hoặc chuyển số cơ khí (số sàn); xe tập lái hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE sử dụng loại chuyển số cơ khí (số sàn);
Ô tô tải sử dụng để làm xe tập lái hạng B phải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế từ 2.500 kg đến 3.500 kg với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo;
Xe tập lái được gắn 02 biển "TẬP LÁI" trước và sau xe theo mẫu quy định; có hệ thống phanh phụ được lắp đặt bảo đảm hiệu quả phanh, được bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe; xe tập lái trên đường giao thông có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên; xe tập lái loại ô tô tải thùng có mui che mưa, che nắng, ghế ngồi cho học viên; có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực;
Xe mô tô ba bánh để làm xe tập lái cho người khuyết tật là xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe;
Xe ô tô hạng B số tự động được dùng làm xe tập lái cho người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái; xe ô tô hạng B số tự động dùng làm xe tập lái cho người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp để các tay và chân còn lại của người khuyết tật vừa giữ được vô lăng lái, vừa dễ dàng điều khiển cần gạt tín hiệu báo rẽ, đèn chiếu sáng, cần gạt mưa, cần số, cần phanh tay, bàn đạp phanh chân, bàn đạp ga trong mọi tình huống khi lái xe theo đúng chức năng thiết kế của nhà sản xuất ô tô hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cải tạo xe cơ giới xác nhận hệ thống điều khiển của xe phù hợp để người khuyết tật lái xe an toàn.
Sân tập lái phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, bố trí đủ các bài học theo nội dung chương trình đào tạo
Nghị định yêu cầu sân tập lái xe phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng sân sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng sân sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng chỉ được tính tối đa không quá 01 sân tập lái để tính lưu lượng đào tạo;
Cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng sân tập lái phù hợp với lưu lượng và chương trình đào tạo; số lượng sân tập lái tính theo lưu lượng học viên; được xác định theo nguyên tắc 01 sân tập lái ô tô đáp ứng tối đa lưu lượng 1.000 học viên;
Sân tập lái xe ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, bảo đảm diện tích để bố trí đủ các bài học theo nội dung chương trình đào tạo đối với các hạng xe dùng để đào tạo; việc bố trí hình và kích thước các bài tập lái xe ô tô tổng hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với từng hạng xe tương ứng và phải được bó vỉa;
Mặt sân có cao độ và hệ thống thoát nước bảo đảm không bị ngập nước; bề mặt các làn đường và hình tập lái được thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường;
Có nhà chờ, có ghế ngồi cho học viên học thực hành.
Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ.
Nghị định nêu rõ điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ.
Cụ thể, phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của bộ quản lý chuyên ngành.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (cụ thể, xe ô tô vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải dán biểu trưng nhận diện hàng hóa nguy hiểm; lắp đèn, tín hiệu cảnh báo). Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên, phía trước và phía sau của phương tiện bảo đảm dễ quan sát, nhận biết.
Bên cạnh đó, phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì người vận tải, lái xe phải có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện đó.
Xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi
Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hóa nguy hiểm hoặc trong thông báo của người thuê vận tải.
Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải do người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực kho, bến bãi riêng biệt.
Trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải.
Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.
Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất dễ cháy, nổ qua công trình hầm, phà
Theo Nghị định, không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí đốt, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ, chất rắn khử nhạy khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100 m trở lên.
Trên cùng một chuyến phà không vận chuyển đồng thời người tham gia giao thông hoặc hành khách (trừ người lái xe vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, người áp tải, người phục vụ trên phà) cùng với phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác.
Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trong các trường hợp đặc biệt
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng những quy chế, biện pháp đối với việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trong các trường hợp sau: 1- Hàng hóa phục vụ cho yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, địch họa; 2- Hàng hóa quá cảnh của các nước, tổ chức quốc tế không ký kết điều ước quốc tế liên quan tới Việt Nam.
* Theo Nghị định, tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau đây:
- Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ gồm 6 nhóm: Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng; nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ
rộng; nhóm 1.3 : Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng; nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể; nhóm 1.5: Chất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng; nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.
- Loại 2. Khí gồm 3 nhóm: Nhóm 2.1: Khí dễ cháy; nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại; nhóm 2.3: Khí độc hại.
- Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.
- Loại 4 gồm 3 nhóm: Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy; nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy; nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.
- Loại 5 gồm 2 nhóm: Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa; nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.
- Loại 6 gồm 2 nhóm: Nhóm 6.1: Chất độc; nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.
- Loại 7: Chất phóng xạ.
- Loại 8: Chất ăn mòn.
- Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình – Trưởng Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đã ký Quyết định số 148/QĐ-BCĐ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo này.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Quy chế nêu rõ, Ban chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên; bảo đảm yêu cầu phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thành viên được pháp luật quy định.
Các thành viên Ban chỉ đạo đề cao trách nhiệm cá nhân trong hoạt động của Ban chỉ đạo và trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.
Ban chỉ đạo làm việc theo các hình thức như: Tổ chức cuộc họp định kỳ, đột xuất, hội nghị dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, tổ chức các đoàn làm việc tại bộ, ngành, địa phương và cho ý kiến bằng văn bản.
Chế độ làm việc và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo
Theo quy chế, các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình.
Trưởng Ban chỉ đạo và Phó Trưởng Ban chỉ đạo làm việc với các thành viên Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo việc thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo.
Các thành viên Ban chỉ đạo được chủ động làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh, các vấn đề trong việc triển khai dự án trên thực tế (nếu có). Sau đó tổng hợp, báo cáo lại Trưởng Ban chỉ đạo tại các cuộc họp định kỳ gần nhất theo lịch của Trưởng Ban chỉ đạo.
Các thành viên Ban chỉ đạo sử dụng bộ máy, cơ sở vật chất của cơ quan, đơn vị mình trong thực thi nhiệm vụ được Trưởng ban giao hoặc Phó Trưởng ban giao trong trường hợp được Trưởng ban ủy quyền; phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ; báo cáo Trưởng ban về kết quả thực hiện; có thể thành lập tổ giúp việc tại đơn vị mình để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ một cách kịp thời, thường xuyên, thực chất, hiệu quả.
Các thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm định kỳ 01 quý/01 lần báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công tại Hội nghị định kỳ mỗi quý, thời gian họp phụ thuộc vào lịch của Trưởng Ban chỉ đạo; chịu trách nhiệm với thông tin, báo cáo, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công thuộc phạm vi quản lý.
Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
Tham mưu xây dựng kế hoạch làm việc của Ban chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương và đối tượng có liên quan để khảo sát, rà soát, tổng hợp các dự án vướng mắc; phân loại các nhóm vấn đề và dự kiến thành viên Ban chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất phương án, tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất đối với các nhóm vấn đề không thuộc phạm vi bộ, cơ quan do thành viên Ban chỉ đạo quản lý.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối nắm bắt thông tin, phối hợp công tác giữa các thành viên Ban chỉ đạo; tiếp nhận các văn bản báo cáo, hồ sơ tài liệu có liên quan từ các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổng hợp báo cáo; duy trì liên hệ giữa các thành viên Ban chỉ đạo trong triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo.
Bên cạnh đó, tổng hợp, xây dựng các báo cáo, tài liệu của Ban chỉ đạo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo phân công của Trưởng Ban chỉ đạo; chuẩn bị nội dung và các điều kiện để tổ chức các cuộc họp, hội nghị và đoàn làm việc của Ban chỉ đạo theo chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo; trình Trưởng Ban chỉ đạo quyết định thành lập Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo theo quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo Ban chỉ đạo, Trưởng Ban chỉ đạo xem xét, tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để hướng dẫn giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền; lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương liên quan, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo xem xét, quyết định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép báo cáo Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm nhân sự UBND 2 tỉnh Hà Giang và Đắk Nông.
Đối với tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1627/QĐ-TTg ngày 23/12/2024 phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Sơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1633/QĐ-TTg ngày 24/12/2024 phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Đức Quý.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1642/QĐ-TTg ngày 24/12/2024 phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bà Vương Ngọc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Đối với tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1634/QĐ-TTg ngày 24/12/2024 phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lê Văn Chiến để nhận nhiệm vụ mới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1644/QĐ-TTg ngày 25/12/2024 công nhận huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Long An có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Cần Giuộc tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 569/TB-VPCP ngày 24/12/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ về Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Thông báo nêu rõ, sau khi Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải báo cáo về tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ về Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và nội dung dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, ý kiến của các bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận như sau:
Thống nhất với ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về việc không quy định xử lý chuyển tiếp trong các Nghị định này đối với tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải hình thành từ nguồn vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp trước ngày Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 có hiệu lực và tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hình thành từ nguồn vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp trước ngày Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 có hiệu lực. Bộ Tài chính rà soát kỹ nội dung và hoàn thiện dự thảo các Nghị định bảo đảm phù hợp với Luật số 56/2024/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 27 tháng 12 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ tiếp tục thẩm tra, rà soát các dự thảo Nghị định, báo cáo Lãnh đạo Chính phủ để xin ý kiến Thành viên Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ đối với Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản: số 7642/VPCP-CN ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về cầu cảng số 4, số 5 thuộc bến cảng Chùa Vẽ - Cảng Hải Phòng; số 4373/VPCP-CN ngày 14 tháng 6 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ về hạng mục tôn tạo, xử lý nền đất yếu thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và số 864/VPCP-CN ngày 14 tháng 02 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ về phương án xử lý các tài sản hình thành từ các hạng mục đầu tư, nâng cấp cảng thủy nội địa Việt Trì và Ninh Phúc thuộc Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6); báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2024./.