Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.
Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2024 về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách chưa được một số Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc như: (1) Việc kiểm soát các điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường chưa thực sự quyết liệt, chặt chẽ; còn nhiều cơ sở vi phạm quy định về PCCC; (2) Một số địa phương phân công chưa rõ trách nhiệm của sở, ngành chức năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện; chưa kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn quản lý; (3) Việc kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu thực hiện các giải pháp, điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ chưa quyết liệt, thiếu hiệu quả; (4) Còn nhiều địa phương chưa ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong thời điểm cuối năm, thời tiết hanh khô, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng cao, các nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu gia tăng gây nguy cơ mất an toàn về PCCC. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị. Rà soát nhiệm vụ được giao tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương để tập trung triển khai thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
b) Tăng cường tuyên truyền về nguy cơ cháy, nổ, thường xuyên tập huấn kỹ năng thoát nạn, chữa cháy, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về điều kiện an toàn PCCC đối với từng công trình, cơ sở, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
c) Thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra về PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025; xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
2. Bộ trưởng Bộ Công an:
a) Khẩn trương ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCCC và CNCH vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2025, bảo đảm đồng bộ, kịp thời khi Luật có hiệu lực.
b) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương mở đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người; tập trung kiểm tra, hướng dẫn khắc phục các sơ hở, thiếu sót, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC theo quy định.
c) Tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", sẵn sàng tổ chức chữa cháy, CNCH hiệu quả, kịp thời ngay tại địa bàn, cơ sở khi có cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra.
3. Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp với UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra việc cấp phép xây dựng đối với các loại hình công trình, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép, các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang các loại hình sản xuất, kinh doanh khác mà không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC.
4. Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo ngành Điện thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn về bảo đảm an toàn PCCC trong sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất.
5. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Các địa phương chưa ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC phải khẩn trương ban hành trước ngày 30 tháng 12 năm 2024 để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
b) Yêu cầu chủ hộ gia đình, người đứng đầu nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC do UBND cấp tỉnh ban hành và dứt điểm phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30 tháng 3 năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.
c) Tại khu vực đô thị không bảo đảm hạ tầng giao thông, nguồn nước chữa cháy, phải xây dựng ngay phương án cấp nước, dự trữ nước, bố trí phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
d) Phân công nhiệm vụ cụ thể, bố trí lực lượng, phương tiện thường trực, ứng trực, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị cho lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để sẵn sàng cứu người bị nạn, chữa cháy khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra ngay từ địa bàn, cơ sở.
đ) Chỉ đạo phân công rõ trách nhiệm của sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã trong công tác PCCC và CNCH tại từng địa phương; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong quản lý nhà nước về PCCC và CNCH để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn. Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản trên địa bàn, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
6. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ có nhiều người theo dõi để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ.
7. Yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc chậm tiến độ; nghiêm túc xem xét, xử lý trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc triển khai thực hiện.
8. Giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền.
9. Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Công an theo dõi, đôn đốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị này.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.
Công điện gửi Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Công điện nêu: Ngày 25 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đó các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, với nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, bước đầu đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; một bộ phận người dân có tâm lý hám lợi, ý thức tự bảo vệ tài sản, bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế... Một số quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông... còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót, chưa được sửa đổi, bổ sung; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, trọng tâm là Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP.
2. Bộ Công an
a) Chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình phối hợp liên ngành để xử lý nhanh, kịp thời các vụ, việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài khoản thanh toán, ví điện tử có nghi vấn liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật để kịp thời cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản (Hoàn thành trong quý I năm 2025).
b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới, hướng dẫn Nhân dân cách thức nhận diện, kỹ năng phòng ngừa lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại điện tử.
c) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa tội phạm, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra khám phá các vụ án, vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tăng cường đàm phán, ký kết bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm với các nước trên thế giới, nhất là các nước chung đường biên giới với Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
a) Nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch Mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để xử lý các hành vi cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoạt động vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ban hành quy trình rà soát, nhận diện, giám sát tài khoản doanh nghiệp, các giao dịch nghi vấn sử dụng hoạt động phạm tội (Hoàn thành trong quý I năm 2025).
b) Chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch. Nâng cao hiệu quả phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong công tác xác minh, phong tỏa tài khoản, tạm dừng giao dịch để kịp thời ngăn chặn việc rút, chuyển tiền có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chủ động phát hiện, trao đổi, cung cấp cho cơ quan Công an thông tin về tài khoản thanh toán, ví điện tử có giao dịch nghi vấn liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Áp dụng kiểm tra, đối chiếu xác thực sinh trắc học người đại diện hợp pháp đối với các giao dịch Internet Banking của tài khoản doanh nghiệp; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để phát hiện, phân loại, cảnh báo các tài khoản có giao dịch bằng địa chỉ IP tại nước ngoài. Đẩy mạnh việc kiểm soát giao dịch liên quan đến tiền "ảo"; hoàn thiện các quy trình quản lý nội bộ nhằm phòng ngừa nhân viên ngân hàng tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo (Hoàn thành trong quý I năm 2025).
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động cho vay, thanh toán, rút tiền, chuyển tiền, nhận tiền; tăng cường tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với khách hàng.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới về lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng với nhiều hình thức để Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, an toàn thông tin; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, ứng dụng, hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng liên quan đến hoạt động lừa đảo; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có phương án đối khớp thông tin chủ tài khoản, người đại diện hợp pháp với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán, ví điện tử.
c) Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông thực hiện xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý SIM có thông tin thuê bao viễn thông không đầy đủ, không chính xác theo quy định; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn có hiệu quả các cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn lừa đảo, nhất là các cuộc gọi từ nước ngoài, cuộc gọi sử dụng công nghệ VoiIP, ứng dụng OTT...; tăng cường công tác phối hợp với Bộ Công an, kịp thời cung cấp thông tin thuê bao, thông tin chủ thể tên miền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi được yêu cầu.
5. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng khung pháp lý đối với VAs và VASPs (tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó theo phân công nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2024 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp tăng cường kiểm tra việc góp vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện quy trình, quy định thành lập doanh nghiệp; tăng cường hậu kiểm, phát hiện doanh nghiệp sau khi được thành lập không phát sinh hoạt động kinh doanh thực tế; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xác thực thông tin người đại diện pháp luật và người được ủy quyền, "làm sạch" dữ liệu về thông tin doanh nghiệp; chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho Bộ Công an để phòng ngừa, xử lý việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp để hoạt động vi phạm pháp luật.
7. Bộ Công Thương
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp liên quan; kịp thời kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định pháp luật của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, quốc tế; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, học viên, sinh viên về nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân; quán triệt thực hiện nghiêm túc những quy định về an ninh mạng và cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là thủ đoạn lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ học sinh, học viên, sinh viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo mở tài khoản ngân hàng, thuê bao di động để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
9. Bộ Khoa học và Công nghệ
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong quản lý, nhận diện, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
10. Bộ Ngoại giao
Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại nắm tình hình công dân Việt Nam có liên quan đến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về phương thức, thủ đoạn của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; triển khai kịp thời các biện pháp bảo hộ công dân; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan để phục vụ công tác đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm.
11. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kịp thời thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, nhất là lừa đảo trên không gian mạng, kết quả phòng ngừa, xử lý của các lực lượng chức năng để Nhân dân nâng cao nhận thức, kịp thời cung cấp thông tin, tố giác hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng vào các khung giờ có nhiều người nghe đài, xem truyền hình về các bài viết, phóng sự liên quan đến phương thức, thủ đoạn mới, cách thức xử lý đối với các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
12. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Nghiên cứu, hướng dẫn đối với công tác thu thập chứng cứ liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án có quy mô đặc biệt lớn, có bị hại thuộc nhiều địa phương, các vụ án đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn xét xử để làm cơ sở ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng Điều 174 của Bộ luật Hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phát triển án lệ.
13. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng địa phương, chú trọng tuyên truyền cá biệt, tình huống cụ thể, trực tiếp tại địa bàn dân cư; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động, kịp thời phát hiện, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc, nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm hiệu quả tại cơ sở.
c) Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý với các nhà mạng, siết chặt hoạt động cấp sim điện thoại, loại bỏ sim "rác", xử lý tình trạng sử dụng sim không chính chủ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
14. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện này, định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Công điện này.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23/12/2024 về việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội bị ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).
Theo Quyết định nêu rõ, đối tượng giảm lãi suất cho vay là khách hàng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quy định về lãi suất (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) tại 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa.
Mức giảm lãi suất cho vay là 2%/năm. Áp dụng đối với khoản vay có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường các biện pháp cân đối chi phí hoạt động để thực hiện việc giảm lãi suất cho vay trong phạm vi kế hoạch vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý được giao năm 2024; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của thông tin số liệu báo cáo, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo an toàn hoạt động và chất lượng tín dụng của ngân hàng.
Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động vận tải đường bộ.
Nghị định số 158/2024/NĐ-CP quy định cụ thể về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi gồm các nội dung quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, cước chuyến đi trong các trường hợp: thông qua sử dụng đồng hồ tính tiền, thông qua sử dụng phần mềm tính tiền và trong trường hợp thỏa thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có phù hiệu "XE TAXI"
Theo đó, Nghị định quy định đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thì được tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Nghị định quy định cụ thể điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi:
- Xe ô tô phải bảo đảm đúng theo quy định tại khoản 9 Điều 56 Luật Đường bộ;
- Phải có phù hiệu "XE TAXI" theo Mẫu số 04 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định này và được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định;
- Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ "XE TAXI" là 06 x 20 cm theo Mẫu số 05 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định này. Trường hợp niêm yết bằng thiết bị điện tử phải bảo đảm cụm từ "XE TAXI" luôn được bật sáng và có kích thước tối thiểu là 06 x 20 cm.
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Cước chuyến đi thông qua sử dụng đồng hồ tính tiền
Nghị định quy định trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải lập hóa đơn điện tử gửi cho hành khách khi kết thúc hành trình.
Phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu, gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.
Cước chuyến đi thông qua phần mềm tính tiền
Đối với trường hợp tính cước chuyến đi thông qua sử dụng phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (phần mềm tính tiền), Nghị định quy định:
- Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến;
- Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số;
- Phần mềm tính tiền phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của đơn vị kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
Cước chuyến đi theo thỏa thuận với đơn vị kinh doanh vận tải
Nghị định cũng quy định về trường hợp tiền cước chuyến đi theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải. Theo đó, tiền cước chuyến đi theo thoả thuận giữa hành khách với đơn vị kinh doanh vận tải theo biểu chi phí niêm yết trên xe taxi hoặc thông qua phần mềm tính tiền của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Nghị định cũng nêu rõ kết thúc chuyến đi, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định./.