In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/12/2024

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/12/2024.

26/12/2024 17:45
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/12/2024- Ảnh 1.

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước - Ảnh minh họa

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 47/CT-TTg chỉ đạo tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước.

Ngày 29 tháng 11 năm 2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật (Luật 56/2024/QH15), trong đó, tại khoản 22 Điều 5 của Luật quy định: "Không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với nhà, đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng".

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Để bảo đảm việc quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước đúng mục đích, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, pháp luật về đấu giá, pháp luật về cổ phần hoá; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trình Chính phủ ban hành trong tháng 12 năm 2024, trong đó quy định cụ thể xử lý chuyển tiếp việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp.

Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về cổ phần hoá doanh nghiệp đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; trong đó có Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, trình Chính phủ ban hành trong tháng 12 năm 2024.

Thường xuyên rà soát, đánh giá chế độ quản lý, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về nội dung phương án sử dụng đất, lập, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành trong năm 2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rà soát, đánh giá chế độ quản lý, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế (trong đó có doanh nghiệp nhà nước) theo quy định của pháp luật về đất đai để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đất đai do doanh nghiệp nhà nước sử dụng.

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan rà soát phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước, giải quyết những vướng mắc, khó khăn (nếu có) trong quản lý, sử dụng đất đai của các doanh nghiệp nhà nước.

Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất không đúng mục đích

Đối với chính quyền địa phương, Chỉ thị nêu rõ, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Hiến pháp, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm: Quản lý về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền, trách nhiệm quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành; chỉ đạo rà soát để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai (ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo thời gian quy định, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo tiếp nhận nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật; tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí.

Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất không đúng mục đích Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; đất cho mượn, cho thuê không đúng quy định; đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất; không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về đất đai,...

Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các doanh nghiệp nhà nước theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Chấm dứt việc sử dụng nhà, đất vào mục đích cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, liên doanh, liên kết,... không đúng quy định

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về đấu giá, pháp luật về cổ phần hoá và pháp luật khác có liên quan; thực hiện hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhà nước và cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất của doanh nghiệp mình.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng nhà, đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất đúng quy định; thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo đúng quy định; bàn giao lại đất khi Nhà nước thu hồi đất và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất của doanh nghiệp mình.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất và thực hiện các quyền khác về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch. Trường hợp hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất thì phải trả lại Nhà nước để Nhà nước thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện bán tài sản cố định của doanh nghiệp thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá, pháp luật đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Khi thực hiện cổ phần hoá thì doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về cổ phần hóa; doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật và phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng nhà, đất rà soát việc quản lý, sử dụng nhà, đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chấm dứt việc sử dụng nhà, đất vào mục đích cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, liên doanh, liên kết,... không đúng quy định; xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp

Thanh tra Chính phủ, các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp.

Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/12/2024- Ảnh 2.

Cơ quan thanh tra Công an nhân dân có chức năng tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra Công an nhân dân 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 164/2024/NĐ-CP ngày 25/12/2024 quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra Công an nhân dân. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2025.

Về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân, Nghị định 164/2024/NĐ-CP nêu rõ: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra Công an nhân dân

Nghị định 164/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong Công an nhân dân, trong đó phân chia thành 2 nhóm: Cơ quan thanh tra Công an nhân dân và cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm.

Cụ thể, cơ quan thanh tra Công an nhân dân gồm:

- Thanh tra Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ);

- Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Thanh tra Công an tỉnh);

- Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi tắt là Thanh tra Cục).

Công an huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và Công an các đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên, bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; Công an các đơn vị có quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ, bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm.

Số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách, cán bộ thanh tra kiêm nhiệm tại các đơn vị do Thủ trưởng đơn vị quyết định.

2 hình thức thanh tra

Về hình thức thanh tra, Nghị định 164/2024/NĐ-CP quy định: Hoạt động thanh tra Công an nhân dân được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.

Căn cứ ra quyết định thanh tra

Nghị định 164/2024/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các căn cứ ra quyết định thanh tra. Theo đó, việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:

a) Kế hoạch thanh tra hằng năm của Bộ Công an và Công an đơn vị, địa phương;

b) Yêu cầu của Thủ trưởng Công an có thẩm quyền;

c) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền và phạm vi quản lý của Bộ Công an;

d) Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Công an nhân dân;

đ) Căn cứ khác theo quy định của pháp luật.

Thời hạn thanh tra không quá 45 ngày

Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày.

Cuộc thanh tra do Thanh tra Công an tỉnh tiến hành không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

Việc gia hạn thời hạn thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Thanh tra.

Nội dung thanh tra

Nghị định 164/2024/NĐ-CP quy định cụ thể nội dung thanh tra:

Nội dung thanh tra hành chính: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Nội dung thanh tra chuyên ngành: Thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của Bộ Công an theo quy định của pháp luật.

Công khai kết luận thanh tra

Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, báo cáo kết quả thẩm định và các văn bản giải trình, tham gia ý kiến (nếu có), người ra quyết định thanh tra chỉ đạo hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, báo cáo, xin ý kiến Thủ trưởng Công an cùng cấp về dự thảo kết luận thanh tra.

Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Công an cùng cấp, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện và ban hành kết luận thanh tra.

Việc công khai kết luận thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 79 Luật Thanh tra. Đối với kết luận thanh tra có chứa đựng nội dung thuộc bí mật nhà nước thì người ra quyết định thanh tra trích sao theo quy định và thực hiện công khai đối với các nội dung không chứa đựng bí mật nhà nước.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/12/2024- Ảnh 3.

Ông Hoàng Gia Long - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 26/12/2024 giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026.

Quyết định nêu rõ: Giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Hoàng Gia Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/12/2024- Ảnh 4.

Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An.

2 trường cao đẳng được sáp nhập vào trường đại học 

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sáp nhập trường Cao đẳng Y tế Hải Dương và Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào 2 trường đại học.

Cụ thể, tại Quyết định số 1652/QĐ-TTg ngày 26/12/2024, Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vào Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trực thuộc Bộ Y tế.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng nhân sự, tài chính, tài sản, người học của Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vào Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trực thuộc Bộ Y tế theo quy định của pháp luật; quá trình sáp nhập, tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động bình thường, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương về việc đào tạo và cấp bằng cho người học đang học tại Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương theo quy định của pháp luật.

* Tại Quyết định số 1653/QĐ-TTg ngày 26/12/2024, Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

Trường Đại học Nghệ An là cơ sở giáo dục đại học công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng nhân sự, tài chính, tài sản, người học của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và tổ chức lại, đổi tên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An theo quy định của pháp luật; quá trình sáp nhập, tổ chức lại và đổi tên phải bảo đảm hoạt động bình thường, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn Trường Đại học Nghệ An về việc đào tạo và cấp bằng cho người học đang học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/12/2024- Ảnh 5.

Khai thác than.

Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản than theo quy hoạch

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 572/TB-VPCP ngày 25/12/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản than theo quy hoạch.

Thông báo nêu: Ngày 16 tháng 12 năm 2024 tại Trụ sở làm việc Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản than theo quy hoạch trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 7769/BTNMT-KSVN ngày 06 tháng 11 năm 2024.

Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận: Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu phương án đưa toàn bộ nội dung phân ngành than trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sang Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản than, bảo đảm đúng quy định của Luật Khoáng sản, trong quá trình thực hiện cần lấy ý kiến của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, các doanh nghiệp liên quan; hoàn thiện dự thảo, chịu trách nhiệm về nội dung quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2024./.