In bài viết

CHỌN NGÀNH NGHỀ: Đừng để mông lung trở thành lựa chọn

(Chinhphu.vn) - Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) – đã chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc về tâm lý và hành trình chọn ngành của học sinh sau kỳ thi THPT, khi các em phải đứng trước một trong những ngã rẽ quan trọng nhất đời mình.

01/07/2025 13:15
CHỌN NGÀNH NGHỀ: Đừng để mông lung trở thành lựa chọn- Ảnh 1.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em học sinh lại bước tiếp vào 1 giai đoạn quan trọng: chọn trường - chọn ngành - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Kỳ thi tốt nghiệp THPT khép lại, nhưng với nhiều học sinh, thử thách lớn hơn lại bắt đầu: chọn ngành – chọn trường. Không ít em thú nhận cảm thấy “mông lung”, lo lắng khi điền nguyện vọng, vì... chưa biết mình thực sự muốn gì. Chọn ngành theo điểm, nghe lời bố mẹ, theo bạn bè hay chạy theo ngành “hot” trên mạng – tất cả đều dễ, nhưng liệu có đúng?

PGS.TS Trần Thành Nam gọi trạng thái này là “nỗi lo rất bình thường trong một thế giới bất thường”. 

Ông cho rằng các em đang lớn lên trong một thời đại đầy bất ổn, một thế giới BANI: dễ vỡ, lo âu, phi tuyến tính và khó đoán định. 

“Tương lai không còn là đường thẳng nữa. Một chính sách mới, một công nghệ đột phá hay một biến cố bất ngờ có thể thay đổi hoàn toàn kế hoạch cá nhân”, ông chia sẻ. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng không phải là tránh lo lắng, mà là học cách sống chủ động trong sự không chắc chắn.

Hiểu mình, hiểu nghề, hiểu thời đại – để điểm số không lấn át đam mê

Một thực tế phổ biến: học sinh chọn ngành theo điểm thi – “miễn đỗ đại học là được”. Theo PGS Nam, điều này không khó hiểu. “Các em sợ thất bại. Người lớn cũng vậy. Chúng ta hay chọn phương án an toàn hơn là phương án phù hợp”. 

CHỌN NGÀNH NGHỀ: Đừng để mông lung trở thành lựa chọn- Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra 3 bước quan trọng đề các em chọn đúng ngành - Ảnh: VGP/Thu Trang

Thêm vào đó là vô số áp lực vô hình: từ cha mẹ kỳ vọng, từ thầy cô gợi ý, từ mạng xã hội bủa vây thông tin... khiến nhiều học sinh hoang mang. 

“Thay vì tìm hiểu bản thân, nhiều em bị dẫn dắt bởi những bảng xếp hạng ngành nghề ‘hot’, những lời đồn ngành học ‘vô dụng’. Kết quả là lựa chọn theo phong trào, theo người khác, không phải theo chính mình”.

Theo PGS Nam, để chọn đúng ngành, học sinh cần đi qua ít nhất ba bước:

Đầu tiên, hiểu rõ bản thân. “Đây là nền tảng. Các em cần dùng công cụ khoa học như RIASEC, MBTI, NEOPI… để khám phá thiên hướng nghề nghiệp, đặc điểm tính cách. Phụ huynh cũng nên tham gia để cùng trao đổi, định hình”.

Thứ hai, tìm hiểu kỹ về các nhóm ngành, không chỉ nhìn vào màu hồng của nghề mà cả những khó khăn, kỹ năng cần thiết, triển vọng dài hạn. “Học sinh có thể tham gia ngày hội tư vấn, đọc báo cáo xu hướng, phỏng vấn người làm nghề thực tế”.

Thứ ba, nhận diện bối cảnh phát triển của đất nước. Theo các dự báo đến năm 2045, một số ngành như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến – chế tạo, xây dựng, chăm sóc sức khỏe tâm thần và thể chất, tài chính – ngân hàng, logistic, dịch vụ nhà hàng – khách sạn… sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Ngược lại, lao động kỹ năng thấp sẽ dần bị thay thế bởi AI, tự động hóa.

“Đừng chỉ chọn một ngành ổn định, hãy chọn ngành có thể giúp em phát triển lâu dài. Trong một thế giới thay đổi từng ngày, khả năng học tập suốt đời và tư duy linh hoạt mới là tấm vé bền vững để các em làm chủ tương lai”, PGS Nam nhấn mạnh. 

CHỌN NGÀNH NGHỀ: Đừng để mông lung trở thành lựa chọn- Ảnh 3.

Hướng nghiệp cho các em cần được thực hiện từ rất sớm

Vai trò của nhà trường: Hướng nghiệp không thể làm “cho có”

Cũng theo PGS Nam, công tác hướng nghiệp hiện nay trong trường phổ thông vẫn còn rất nhiều bất cập: “Thiếu người làm chuyên trách, hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp còn rời rạc, chủ yếu truyền cảm hứng chung chung, chưa đủ chiều sâu để cá nhân hóa”.

Thậm chí, học sinh lớp 12 mới bắt đầu được tư vấn nghề nghiệp – khi mà thời gian và tâm trí đều bị chi phối bởi thi cử là quá muộn. 

“Giáo dục hướng nghiệp cần bắt đầu từ sớm, ít nhất từ cấp THCS, thậm chí tiểu học. Chúng ta cần chương trình xuyên suốt, có chiều sâu, ứng dụng công nghệ số, sử dụng dữ liệu hồ sơ năng lực để theo sát từng học sinh”, ông đề xuất.

Một mô hình lý tưởng, theo ông, là xây dựng hành trình trải nghiệm nghề nghiệp đa dạng cả trong thực tế lẫn trên môi trường ảo (AR/VR); đồng thời đào tạo giáo viên có kỹ năng hướng dẫn, hỗ trợ học sinh định hình giá trị và lựa chọn phù hợp.

“Chọn ngành không chỉ là chọn nghề, mà là chọn cách mình bước vào tương lai” – thông điệp mà PGS.TS Trần Thành Nam gửi gắm, có lẽ không dành riêng cho học sinh lớp 12, mà cho tất cả những ai đang đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Mình là ai – và muốn trở thành ai trong một thế giới luôn chuyển động. 

Thu Trang