Ảnh trụ sở Liên hợp quốc - Định chế đa phương quan trọng nhất hiện nay. Nguồn: Liên hợp quốc
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với hàng loạt thách thức xuyên quốc gia – từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột đến công nghệ phát triển vượt tầm kiểm soát – chủ nghĩa đa phương ngày càng thể hiện vai trò trung tâm trong thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững.
Chủ nghĩa đa phương là phương thức điều hành quan hệ quốc tế dựa trên hợp tác giữa nhiều quốc gia thông qua luật lệ và thể chế toàn cầu. Khác với chủ nghĩa đơn phương – vốn đặt lợi ích riêng lên hàng đầu – đa phương đề cao bình đẳng, đồng thuận và trách nhiệm chung. Nguyên tắc này được thể chế hóa rõ nét nhất qua việc thành lập Liên Hợp Quốc năm 1945.
Tại Đối thoại Chiến lược cấp cao LHQ – EU (7/2023), Tổng Thư ký Guterres đã nêu 5 lý do thế giới cần chủ nghĩa đa phương: (1) Giải pháp duy nhất cho các thách thức toàn cầu; (2) Nâng cao hiệu quả các tổ chức quốc tế qua mô hình "đa phương kết nối mạng lưới"; (3) Củng cố an ninh tập thể thông qua hợp tác khu vực; (4) Tăng cường phối hợp thực địa, đặc biệt trong gìn giữ hòa bình và (5) Chung tay chống khủng bố và các mối đe dọa phi truyền thống.
Từ Thỏa thuận Paris về khí hậu, hợp tác phát triển vaccine COVID-19, đến đàm phán về trí tuệ nhân tạo, chủ nghĩa đa phương đã chứng minh rằng đây không chỉ là một lựa chọn, mà là điều kiện sống còn cho một trật tự toàn cầu bao trùm và bền vững.
Trong làn sóng phục hồi và đổi mới chủ nghĩa đa phương, Việt Nam nổi lên là một quốc gia năng động, có trách nhiệm và kiến tạo.
Từ khi gia nhập LHQ (1977), ASEAN (1995), WTO (2007) và các hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP), Việt Nam đã đảm nhận nhiều vai trò quan trọng như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2008–2009, 2020–2021), Chủ tịch ASEAN (2010, 2020), Thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (2023–2025) và Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021–2023).
Trên thực địa, Việt Nam cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; đề xuất Ngày Quốc tế Sẵn sàng chống dịch bệnh (27/12), được LHQ thông qua năm 2020, cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và tham gia Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Từ nước nhận viện trợ, nay trở thành quốc gia cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong nông nghiệp và y tế cho nhiều nước đang phát triển.
Việt Nam cũng đi đầu thúc đẩy vai trò của ASEAN trong an ninh khu vực, tiêu biểu là các sáng kiến trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 như: Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, kho dự phòng vật tư y tế, khung phục hồi hậu đại dịch.
Việt Nam tích cực gắn kết các vấn đề như an ninh biển, phát triển bền vững, kinh tế số vào nghị trình hợp tác với các đối tác lớn như EU, Mỹ, Ấn Độ. Đồng thời, nước ta thúc đẩy kết nối đa phương trong khu vực Mekong – với Nhật Bản, LHQ, và các nước tiểu vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:"Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế." Tư duy "lấy con người làm trung tâm" thể hiện qua việc đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp và bảo vệ quyền con người.
Với chính sách đối ngoại linh hoạt, tư duy lấy con người làm trung tâm và cam kết quốc tế mạnh mẽ, Việt Nam đang khẳng định vai trò là nhân tố tích cực góp phần định hình một trật tự thế giới công bằng, ổn định và nhân văn hơn./.