Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tiếp ông Laurent Saint-Martin, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương và Người Pháp ở nước ngoài - Ảnh: VGP/Hải Minh
Chiều 12/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp ông Laurent Saint-Martin, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương và Người Pháp ở nước ngoài nhân chuyến thăm Việt Nam.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chào mừng Bộ trưởng Laurent Saint-Martin lần đầu tiên thăm Việt Nam; khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Pháp, bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai nước kể từ khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm (tháng 10/2024).
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh việc trao đổi đoàn các cấp ngày càng trở nên sôi động, các cơ chế hợp tác Việt Nam-Pháp ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực.
Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương Pháp bày tỏ cảm kích trước sự tiếp đón nồng hậu, thân tình của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; chúc mừng sự phát triển năng động về kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công khi thực hiện các mục tiêu đề ra nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045.
Bộ trưởng Laurent Saint-Martin khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên quan trọng của Pháp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhất trí với những đánh giá của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về những tiến triển tích cực của mối quan hệ Việt Nam - Pháp thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại-đầu tư, một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện.
Trao đổi về những thách thức, khó khăn của nền kinh tế thế giới hiện nay cũng như phương thức ứng phó với căng thẳng thương mại, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đang phát huy tối đa phương châm "bình tĩnh, bản lĩnh, linh hoạt và sáng tạo", "kiên trì đối thoại", có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo đảm hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng và quản trị thông minh.
Phó Thủ tướng cho rằng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững để chủ động ứng phó, nâng cao năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài; đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu tại buổi tiếp - Ảnh: VGP/Hải Minh
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương và mở cửa hơn nữa thị trường cho nhau, đặc biệt thông qua việc triển khai hiệu quả và tận dụng tốt các cơ hội to lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh hai bên như cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hàng không vũ trụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn...
Đáp lại đề nghị của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Laurent Saint-Martin nhất trí thúc đẩy Quốc hội Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hai nước hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và Pháp; thúc đẩy EC gỡ bỏ Thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai nước tiếp tục làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như y tế, văn hoá, hợp tác giữa các địa phương…; đề nghị chính quyền Pháp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt ở Pháp tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hữu nghị giữa hai nước; khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Pháp, cũng như doanh nghiệp Pháp đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài ở Việt Nam.
Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thượng tôn luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức toàn cầu.
Về vấn đề Biển Đông, Pháp khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải tại khu vực./.
Hải Minh