Ông Lương Quốc Đoàn – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành hiệu quả, linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương,nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh.
Tuy nhiên, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; cả về mặt khách quan và chủ quan như: tính phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai; về tích tụ, tập trung đất đai; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức; về bảo vệ môi trường nông thôn nhất là trong sản suất nông nghiệp, về rác thải sinh hoạt, làng nghề khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ...
Hôm nay (24/11), tại Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói năm 2024 có chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn", ông Lương Quốc Đoàn – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, Hội Nông dân Việt Nam đang triển khai App Nông dân Việt Nam với trên 3 triệu hội viên nông dân cài đặt để lắng nghe trực tiếp những ý kiến của nông dân từ cơ sở về các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp, trong đó hướng mạnh tới đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở, các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xuất sắc, các HTX làm những hạt nhân, nòng cốt tham gia các hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường ở nông thôn", ông Đoàn nhấn mạnh.
Tại diễn đàn nhiều ý kiến đánh giá cao những tác động tích cực của Hội Nông dân đến đời sống người nông dân hiện nay. Điển hình như đại biểu nông dân Hà Nội có nói về kinh nghiệm giải phóng mặt bằng vành đai 4 với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp Hội Nông dân Việt Nam và cả hệ thống chính trị đã tạo nên sự đồng thuận lớn, ủng hộ cao của bà con nông dân trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Về sự phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT đã có lịch sử phối hợp từ nhiều năm nay với nhiều hoạt động thiết thực cụ thể. Diễn đàn Lắng nghe nông dân lần này giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT là sự đổi mới trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền giữa 2 tổ chức.
Về vấn đề tuyên truyền cho hội viên nông dân thực hiện tốt nội dung chuyển đổi xanh có rất nhiều nội dung, đây cũng là 1 trong những cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26. Đây là nội dung không hề dễ, làm sao chúng ta tuyên truyền để người nông dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chuyển đổi sản xuất kinh doanh nông nghiệp hướng tới chuyển đổi xanh.
Ngoài đổi mới công tác tuyên truyền, Hội Nông dân Việt Nam cũng phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng các mô hình cụ thể. Đặc biệt, Hội Nông dân Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức quốc tế thực hiện xây dựng các mô hình hiệu quả, trong có có Dự án tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường. Hội Nông dân đã thực hiện hiệu quả Dự án áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường ở 26 tỉnh, thành. Điển hình như ở tỉnh Bắc Giang mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường đã nhân rộng với hơn 70.000 nông dân gia với diện tích hơn 7.100ha.
Đỗ Hương