In bài viết

Chủ tịch VNREA: Chính phủ đã thống nhất 2 vấn đề rất quan trọng với sự phát triển thị trường BĐS

(Chinhphu.vn) - Việc Chính phủ khẳng định cần tăng cường tổ chức thanh, kiểm tra thực hiện các dự án đầu tư bất động sản (BĐS), xử lý nghiêm với các vi phạm về pháp luật đất đai, xây dựng, pháp luật về kinh doanh BĐS là động thái quan trọng để dần đưa thị trường BĐS trở nên lành mạnh và phát triển theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

14/07/2022 18:35
Chủ tịch VNREA: Chính phủ đã thống nhất 2 vấn đề rất quan trọng với sự phát triển thị trường BĐS - Ảnh 1.

Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững vừa diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ chiều ngày 14/7

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) Nguyễn Văn Khôi đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ ngay sau khi kết thúc Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ vào chiều 14/7.

Hội nghị BĐS diễn ra kịp thời, đúng đắn, cần thiết

Là đại diện cho các doanh nghiệp BĐS Việt Nam, VNREA đánh giá như thế nào về việc Chính phủ tổ chức hội nghị về BĐS vào thời điểm này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khôi: Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thị trường BĐS của Việt Nam bắt đầu sôi động trở lại, thậm chí còn phát triển nóng ở phân khúc đất nền.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của VNREA cho thấy, thị trường BĐS của Việt Nam đang bị giảm về nguồn cung ở tất cả các phân khúc, số lượng giao dịch chủ yếu tăng ở phân khúc đất nền. Phân khúc BĐS du lịch, nhà ở xã hội, chung cư và nhà ở riêng lẻ nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu nhà ở thực tế của người dân rất cao. 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng giá giao dịch phân khúc đất nền (20-30%) bỏ xa tốc độ tăng giá chung cư, nhà ở riêng lẻ (3-5%).

Theo dự báo của chúng tôi, thị trường BĐS Việt Nam sẽ còn tiếp tục “nóng” lên trong thời gian tới, bất chấp những lo ngại về tăng lãi suất ngân hàng và lạm phát.

Đất đai, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định, không chỉ là tài sản, mà còn là nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong khi đó, thời gian qua, việc thị trường BĐS phát triển mạnh cũng gặp nhiều khó khăn, từ cả lý do khách quan và chủ quan.

Khó khăn đầu tiên chúng tôi phải nhắc đến đó là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS vẫn còn bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, như: Thống nhất hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư có dự án có sử dụng đất; các quy định liên quan đến việc xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, gia đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất…

Nguồn cung nhà ở thương mại giảm hầu như hết ở các địa phương. Nhiều dự án chuẩn bị triển khai gặp không ít khó khăn ở các thủ tục pháp lý, đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất. Đơn cử như ở TPHCM có hơn 120 dự án đang gặp khó khăn, còn tại Hà Nội là hơn 200 dự án.

Bên cạnh đó, nhà ở xã hội rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp.

Khó khăn tiếp theo đó là giá BĐS tăng cao so với thu nhập người dân. Tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội giá căn hộ chung cư không có giá < 25tr/m2; giá nhà riêng lẻ, đất ở dự án rất cao, tới 200 triệu đồng/m2.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS chưa được kiểm soát; yếu chuyên môn, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và tính pháp lý trong giao dịch… và quan trọng nhất là còn chưa thực sự minh bạch.

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn có hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ”, hay thủ đoạn “dìm giá” đang làm ảnh hưởng mặt bằng giá và hoạt động thị trường BĐS.

Một khó khăn nữa đang ảnh hưởng đến thị trường BĐS đó là việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất…

Việc ban hành chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương chậm, chưa đảm bảo cơ sở triển khai dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.

Tôi cho rằng, những bất cập trên vừa cản trở sự phát triển minh bạch của thị trường, vừa gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, gây khó khăn cho quản lý nhà nước về đất đai, đồng thời cũng mang lại những hệ lụy lâu dài về xã hội, như đất công bị chiếm, người dân mất đất khiếu kiện kéo dài…

Do vậy, việc Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững vào thời điểm này là hết sức kịp thời, đúng đắn và cần thiết. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới sự phát triển thị trường BĐS và cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc đưa thị trường BĐS vào khuôn khổ, biến đất đai thành nguồn lực phát triển đất nước một cách lành mạnh và bền vững.

Là đại diện cho doanh nghiệp BĐS của Việt Nam, chúng tôi rất hoan nghênh và mong rằng sau hội nghị, nhiều vấn đề, nút thắt, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, công tác quản lý, kinh doanh BĐS sẽ được nhìn nhận một cách hệ thống, đánh giá một cách toàn diện.

Chúng tôi cũng mong, qua hội nghị, Chính phủ sẽ tiếp nhận thông tin, lắng nghe và cập nhật một cách toàn diện về thị trường để chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương khắc phục những bất cập, điểm nghẽn về chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS và khơi thông nguồn lực đất đai.

Chủ tịch VNREA: Chính phủ đã thống nhất 2 vấn đề rất quan trọng với sự phát triển thị trường BĐS - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội VNREA

2 vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển thị trường BĐS

Ông đánh giá, nhận xét như thế nào về kết quả đạt được của hội nghị hôm nay?

Ông Nguyễn Văn Khôi: Có thể thấy, hội nghị đã đánh giá lại một cách toàn diện thực trạng của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, những kết quả đạt được với những thuận lợi, những hạn chế bất cập với khó khăn.

Từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế, hội nghị đã tập trung phân tích dự báo xu hướng thị trường BĐS trong giai đoạn sau. Đồng thời, đã đề xuất các nhóm giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh bền vững.

Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận và chốt được 2 vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam thời gian tới.

Một là, để phát triển lành mạnh thị trường BĐS phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc cùng ngồi lại để trao đổi, thảo luận và thống nhất các nội dung hạng mục cần sửa đổi về cơ chế, hành lang pháp lý liên quan phát triển nhà ở và thị trường BĐS.

Hai là, hội nghị cũng đã xác định cũng như nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu phát triển thị trường BĐS.

Cụ thể là địa phương phải có chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm, hàng năm một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần cân đối cung-cầu chung về nhà ở, cũng như ở từng từng phân khúc, đúng chủ trương định hướng Chính phủ và nhu cầu ở thực sự của nhân dân. Địa phương cũng cần có công tác nghiên cứu cân đối, quy hoạch và công bố quy hoạch, đất đai trên địa bàn... Công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư và các giải pháp thu hút nguồn lực công khai minh bạch. Đặc biệt là, các tỉnh, thành phố cần quan tâm ưu tiên nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân.

Việc Chính phủ khẳng định cần tăng cường tổ chức thanh kiểm tra thực hiện các dự án đầu tư BĐS trên địa bàn, xử lý nghiêm với các vi phạm về pháp luật đất đai, xây dựng, pháp luật về kinh doanh BĐS cũng là một động thái quan trọng để dần đưa thị trường BĐS trở nên lành mạnh và phát triển theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Sau hội nghị này, Hiệp hội kỳ vọng Chính phủ sẽ tháo gỡ những khó khăn gì cho doanh nghiệp BĐS?

Ông Nguyễn Văn Khôi: Hiệp hội BĐS Việt Nam rất mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên khẩn trương nghiên cứu sửa đổi luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để phát triển bền vững và khơi thông nguồn lực của thị trường, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư... nhằm thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh và ổn định.

Cụ thể, chính quyền các địa phương cần có chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở dài hạn gắn với quy hoạch và chiến lược phát triển của từng địa phương.

Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng đất; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình triển khai các dự án; phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện mức độ minh bạch, đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp trong nước và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi cũng mong rằng các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư phát triển loại hình BĐS du lịch, công nghiệp… góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, tháo gỡ các điểm nghẽn và có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào BĐS nông nghiệp, lâm nghiệp góp phần thực hiện tốt nhất chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Nguyệt-Phan Trang