Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp với Samsung vừa tổ chức khai giảng khóa 4, Chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia khuôn mẫu Việt Nam.
Chương trình hợp tác trong đào tạo chuyên gia khuôn mẫu Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023 được Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam kí kết trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 9 của Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc năm 2019. Theo đó, Samsung sẽ hỗ trợ đào tạo 200 kỹ thuật viên về lĩnh vực khuôn mẫu nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng tự chủ về khuôn mẫu cho các ngành sản xuất cơ bản của Việt Nam.
Chương trình đào tạo chuyên gia khuôn mẫu Việt Nam khóa 4 (khai giảng ngày 14/6) có 31 học viên đến từ các công ty cơ khí - khuôn mẫu và giảng viên các trường cao đẳng, đại học các tỉnh thành phía nam. Học viên sẽ được đào tạo trong 14 tuần, trong đó 10 tuần đào tạo tại Việt Nam và 4 tuần đào tạo thực hành (thực tế) tại Hàn Quốc.
Chương trình lần này có nhiều nội dung đa dạng như: Hoạt động sáng tạo tổng hợp (thiết kế và sản xuất khuôn mẫu), trong đó tập trung vào đào tạo trong ba lĩnh vực (khuôn ép nhựa, khuôn đột dập và quy trình xử lý chính xác). Ngoài ra, khóa học còn đào tạo kỹ thuật viên về quản lý hệ thống, quản lý nguồn thiết kế và quản lý tiêu chuẩn; thực hành trực tiếp trong các công đoạn thiết kế, CNC/EDM, cắt và cuộn dây điện cực; thực hành lắp ráp khuôn, thử nghiệm, kiểm tra và sửa đổi…
Theo Bộ Công Thương, giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam hiện đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm. Đặc biệt, với tỉ lệ tăng trưởng 18%/năm, ngành này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh kỹ thuật khuôn mẫu đang được coi là một ngành kỹ thuật nòng cốt, là nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất, việc phát triển và bồi dưỡng chuyên gia là vô cùng quan trọng. Hơn nữa, việc nâng cao năng lực về kỹ thuật khuôn mẫu chính là đã sở hữu một kỹ thuật sản xuất tiên tiến giúp tối ưu hóa chất lượng gia công sản phẩm đối với các tiêu chí đánh giá bằng thị giác hay xúc giác trên tất cả các sản phẩm ép nhựa, dập áp lực hay gia công chính xác, từ đó có thể đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam đặc biệt là hoạt động sản xuất phần cứng cho các thiết bị điện tử hay cho ngành sản xuất xe máy, xe ô tô.
Nhật Thy