Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao
Đề án hướng tới mục tiêu phát triển xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm.
Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư cho sản xuất mặt hàng xuất khẩu địa phương, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.
Chủ động và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt hàng hóa xuất khẩu là thế mạnh của tỉnh. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước theo hướng xã hội hóa để phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao.
Cụ thể, tỉnh Thái Bình hướng tới mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 2.759,9 triệu USD, tương ứng với tốc độ tăng bình quân từ 10,5%/năm.
Ổn định và đảm bảo tăng trưởng ở mức cao với các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU.
Tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GRDP của tỉnh đạt trên 50% đến năm 2025.
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm tỉ trọng 95-96% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông, thủy hải sản chiếm 2,5%.
Giai đoạn 2021-2025, các sản phẩm chủ lực của tỉnh là những mặt hàng có thế mạnh, có sức tiêu thụ ổn định, thị trường đa dạng, có lợi thế cạnh tranh: May mặc, da giày, xơ, sợi, linh kiện, phụ tùng, sản phẩm kim loại, một số mặt hàng nông nghiệp như gạo, nghêu, rutin hòe...
Định hướng đến năm 2030: Nâng quy mô công suất các nhà máy và đổi mới công nghệ, năng lực sản xuất, thiết kế sản phẩm (đối với lĩnh vực dệt may, da giày). Tiếp tục duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh; trong đó tạo mọi điều kiện để các sản phẩm này tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Bình chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa.
Để làm được điều này, Thái Bình chủ trương thực hiện các chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực, chuyển dần lên các mức cung ứng cao hơn.
Đồng thời ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công nghệ hiện đại, ngành sản phẩm thân thiện với môi trường và tiến đến là ưu tiên cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp cung ứng ở bậc cuối trong chuỗi cung ứng toàn cầu (chủ yếu là doanh nghiệp nội địa).
Tỉnh khuyến khích các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam, kêu gọi các công ty cung ứng đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Địa phương cũng có chính sách ưu đãi thích hợp thu hút nguồn vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thông qua các phương tiện thông tin, thân nhân trong nước để đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư ngày càng thông thoáng; ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu.
Xây dựng và triển khai các chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa trở thành nhà cung ứng cho các công ty đa quốc gia.
Cụ thể, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp công nghệ thông tin đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Đối với các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đào tạo để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp: Hỗ trợ tìm kiếm và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính trong xây dựng, mua sắm máy móc, đào tạo lao động, kết nối với các cơ quan, tổ chức để chứng nhận các tiêu chuẩn cần thiết.
Hỗ trợ các doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia trong việc tìm kiếm, phát triển nhà cung cấp tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp của tỉnh: Hỗ trợ, cung cấp, cho thuê máy móc, giải pháp kỹ thuật, gửi chuyên gia tới các doanh nghiệp, hỗ trợ nhà cung cấp áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng.
Nhật Thy