In bài viết

Chuẩn hóa đội ngũ người làm công tác xã hội

(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Nghị định về công tác xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định nhằm chuẩn hóa đội ngũ người làm công tác xã hội.

13/05/2022 11:35
Chuẩn hóa đội ngũ người làm công tác xã hội - Ảnh 1.

Chuẩn hóa đội ngũ người làm công tác xã hội

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có quy định trực tiếp về người làm công tác xã hội (CTXH) thông qua các quy định chung về tổ chức cán bộ. CTXH đang được cán bộ ở nhiều ngành tham gia, tuy nhiên, những cán bộ đó trên thực tế là cán bộ thuộc biên chế của những tổ chức, cơ quan, đơn vị cụ thể, do vậy trước hết họ phải thực hiện chức trách của người thuộc tổ chức, cơ quan, đơn vị đó; CTXH chưa phải là công việc chính thường xuyên của họ.

Đến nay, các tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH, khoảng 235.000 người làm CTXH, trong đó có trên 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp (phụ nữ, thanh niên, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, mặt trận tổ quốc, hội nông dân, liên đoàn lao động, cựu chiến binh); trên 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Đối với nguồn nhân lực làm CTXH hiện còn có một số bất cập thực tiễn như thiếu về số lượng nhân viên làm nghề CTXH, yếu về năng lực nên chất lượng chuyên môn không đảm bảo, hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp do đa số được đào tạo từ ngành, nghề khác, đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng mới bước đầu được hình thành tại một số địa phương. Năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH mặc dù đã qua đào tạo nhưng mới chỉ nắm kiến thức lý thuyết mà kỹ năng còn chưa đáp ứng, thiếu kiến thức thực hành. Việc chuẩn hóa đội ngũ làm CTXH càng trở nên bất cập trong điều kiện chương trình, giáo trình giảng dạy về CTXH còn thiếu, chất lượng, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên CTXH còn hạn chế trong khi hệ thống cơ sở dạy nghề CTXH còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo.

Những bất cập nêu trên dẫn đến các bất cập khác là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người có quyền được hưởng các dịch vụ CTXH. Vì vậy, số lượng người dân, đặc biệt là những người dân có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS… và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH còn ít.

Mở rộng đối tượng hành nghề công tác xã hội

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng hành nghề CTXH không chỉ là viên chức đồng thời bổ sung quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người hành nghề CTXH và chế độ, chính sách đối với người hành nghề CTXH. Quy định cụ thể trong Nghị định về CTXH các tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề (phải qua đào tạo, tập sự hành nghề CTXH; có chứng chỉ hành nghề CTXH); quy định việc sử dụng, thu hồi chứng chỉ hành nghề CTXH; quy định quy trình hoạt động, nâng cao năng lực, đào tạo, bồi dưỡng đối với người hành nghề CTXH chuyên nghiệp và những người làm CTXH.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất, Người làm công tác xã hội gồm: Công chức nhà nước làm công tác quản lý nhà nước về công tác xã hội; viên chức nhà nước làm công tác xã hội tại các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm công tác xã hội tại các đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, trại giam, trường giáo dưỡng và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật; người làm công tác xã hội trong các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và đoàn thể khác; người làm công tác xã hội độc lập.

Người hành nghề công tác xã hội là người làm công tác xã hội, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội theo quy định (trừ trường hợp người hành nghề công tác xã hội là viên chức công tác xã hội).

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn