In bài viết

Cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn. Đồng thời, Việt Nam có khá nhiều thuận lợi trong phát triển ngành bán dẫn, như vị trí địa lý thuận lợi, ngành công nghiệp điện tử phát triển, nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào, sẵn có nguồn nhân lực trẻ...

23/08/2024 08:53
Cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu- Ảnh 1.

Phiên chuyên đề: "Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam"

Chiều 22/8, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 tiếp tục với các phiên thảo luận chuyên đề.

Tại phiên chuyên đề: "Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam", các kiều bào đã tập trung thảo luận vào 2 vấn đề quan trọng là vai trò của kiều bào đối với sự phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam và đối với sự phát triển ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. 

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, chiến lược gồm 3 bước: Việt Nam trở thành một trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030, trở thành trung tâm về bán dẫn toàn cầu vào năm 2040 và thuộc nhóm các quốc gia dẫn đầu về công nghiệp bán dẫn vào năm 2050. Trong đó, phát triển nhân lực là bước đi đầu tiên, là điểm đột phá, là mục tiêu chiến lược, trở thành trung tâm về nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam hướng tới xây dựng đội ngũ gồm 50.000 kỹ sư bán dẫn, 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip, 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử, đạt doanh thu 25 tỷ USD/năm. Trong đó, vai trò của đội ngũ kiều bào nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trên là vô cùng quan trọng.

Tại chủ đề về "Vai trò của kiều bào đối với sự phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam", bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trung tâm Khoa học và đổi mới trong nghiên cứu Spintronics (sản xuất chip bán dẫn), thuộc Đại học Tohoku, Nhật Bản cho rằng, các nghiên cứu và phát triển ngành công nghệ chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực trong hai ngành này đang trở nên vô cùng cấp thiết đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo bà Vân Anh, Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt khâu thiết kế chip. Tuy nhiên Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu về cơ sở hạ tầng tốt cho việc sản xuất chip, chuẩn bị chuỗi cung ứng phù hợp và đặc biệt chuẩn bị tốt nguồn nhân lực. 

Đối với nguồn nhân lực, chúng ta có thế mạnh ở việc sở hữu nguồn dân số trẻ. Do đó nên sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có từ các trường đại học tại Việt Nam. Sau đó là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hướng đào tạo nguồn nhân lực số lượng và chất lượng để làm sao phù hợp với nhu cầu của các nhà máy sẽ đến Việt Nam để đầu tư. Đào tạo nguồn nhân lực trẻ kết hợp thông qua giữa học và hành. Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển chip bán dẫn một cách phù hợp. Xây dựng cơ chế phù hợp để có thể đẩy mạnh hợp tác 3 bên: Công ty-trường học-Chính phủ.

Ông Dương Minh Tiến (kiều bào Hàn Quốc) chia sẻ, ngành sản xuất chip được xác định như là mục tiêu chiến lược cho an ninh quốc gia lẫn phát triển khoa học công nghệ. 

Từ năm 2020 đến nay, hơn 150 tỷ USD được các chính phủ trên thế giới (chủ yếu Mỹ, EU, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc) "bơm" vào ngành chip để thu hút các công ty đúc chip lớn, như Intel, Samsung, TSMC cho việc xây dựng và mở rộng các nhà máy tiên tiến. Do đó, khi các nhà máy đúc chip đi vào hoạt động hết công suất thì đòi hỏi lĩnh vực đóng gói phải đầu tư mở rộng năng lực sản xuất. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư của lĩnh vực đóng gói trong vòng 5-10 năm sắp tới.

Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút thành công các công ty điện tử lớn đầu tư vào đóng gói chip Intel (1,5 tỷ USD), Samsung (2,3 tỷ USD), Amkor (1,6 tỷ USD) và Hana Micron (1 tỷ USD). Đây cũng là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm cho nhân lực Việt Nam trong ngành sản xuất chip cũng như phát triển các nhà cung cấp tại địa phương.

Ông Dương Minh Tiến cho biết thêm, Malaysia là đối thủ khu vực trực tiếp của Việt Nam trong thu hút đầu tư thiết kế và đóng gói chip. Malaysia chiếm 13% trong thị phần đóng gói chip và chính phủ đã hỗ trợ 5,3 tỷ USD để mục tiêu thu hút 107 tỷ USD đầu tư trong lĩnh vực đóng gói chíp.

Với quy mô dân số chỉ bằng 30% của Việt Nam, nhưng Malaysia đã đặt mục tiêu đào tạo 60.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn.

Tuy nhiên, ông Dương Minh Tiến cho rằng, Việt Nam nên tận dụng một số lợi thế đặc biệt để da dạng thu hút đầu tư từ Israel bên cạnh các quốc gia truyền thống, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Mặt khác, với vị trí địa lý gần Thung lũng Silicon của Trung Quốc (Quảng Châu-Thâm Quyến- Đông Hoàn), Việt Nam rất phù hợp cho chiến lược China+1 của các công ty lớn trong việc giảm rủi ro về địa chính trị và chiến tranh thương mại.

Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại tự do và đối tác chiến lược với các cường quốc công nghệ để hàng hóa từ Việt Nam được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các thị trường lớn. Chính vì vậy, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để giảm bớt thủ tục hành chính, phân quyền cho cấp cơ sở để việc sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn trở nên dễ dàng hơn.

Theo ông Minh Tiến, Việt Nam cần đảm bảo an ninh năng lượng, năng lực tiếng Anh cho sinh viên và ưu tiên chuẩn bị cho làn sóng đầu tư của đóng gói chíp và kiểm thử trong tương lai.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh (kiều bào Nhật Bản), chuyên gia tại Tập đoàn Marvell Technology cũng cho rằng, Việt Nam ở vị trí thuận lợi để thu hút các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Các lợi thế này gồm chính trị ổn định, chi phí lao động cạnh tranh và vị trí gần Thung lũng Silicon của Trung Quốc; có 19 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia khác nhau.

Diệp Anh