Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, tập trung chủ yếu vào công tác chấm thi tại các địa phương mới sáp nhập - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh
Ngay khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 kết thúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, tập trung chủ yếu vào công tác chấm thi tại các địa phương mới sáp nhập. Việc làm này không chỉ là theo dõi tiến độ, mà còn nhằm đảm bảo không xảy ra trục trặc trong khâu tổ chức chấm thi, một khâu đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cấp chính quyền và ngành giáo dục.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT khi tổ chức coi thi là theo mô hình chính quyền 3 cấp; còn khi tổ chức chấm thi thì thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giải thích. "Việc chuyển đổi mô hình quản lý đòi hỏi các tỉnh, đặc biệt là địa phương hợp nhất, cần chủ động thích ứng, điều hành linh hoạt."
Không đợi đến khi phát sinh sự cố, Bộ đã ban hành công văn hướng dẫn riêng về công tác chấm thi trong bối cảnh hành chính mới (Công văn số 2999/BGDĐT-QLCL ngày 13/6/2025). Các địa phương cũng được yêu cầu báo cáo cụ thể tình hình triển khai, kể cả những vướng mắc nhỏ trong chuyên môn như hướng dẫn chấm hay quy chế thi. Tất cả nhằm tránh tình trạng "trật nhịp" giữa sự thay đổi hành chính và tiến trình chuyên môn vốn đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Đề mở thì hướng dẫn chấm cũng phải mở. Mở nhưng không lỏng; sáng tạo nhưng không buông lơi tiêu chí - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh
Một trong những điểm đặc biệt của kỳ thi năm nay là đề thi môn Ngữ văn không sử dụng bất kỳ ngữ liệu nào từ sách giáo khoa – một đề hoàn toàn mở, như cách nói của Thứ trưởng Thưởng. Với đề thi như vậy, công tác chấm càng cần sự uyển chuyển, không máy móc, nhưng vẫn bảo đảm kỷ luật chuyên môn.
"Đề mở thì hướng dẫn chấm cũng phải mở. Mở nhưng không lỏng; sáng tạo nhưng không buông lơi tiêu chí", ông Thưởng khẳng định. Ông cho biết Bộ đã yêu cầu các hội đồng chấm tổ chức thảo luận, chấm thử, chấm chung để thống nhất quan điểm. Ít nhất 5% số bài thi tự luận phải được chấm kiểm tra lại – một hình thức bảo đảm chất lượng từ bên trong quy trình.
Không né tránh các yếu tố "bất ngờ" có thể xảy ra, lãnh đạo Bộ cũng lưu ý: nếu xuất hiện hiện tượng bất thường như quá nhiều bài điểm cao hoặc thấp bất thường, các hội đồng phải chủ động rà soát.
"Với đề mở, học sinh có cơ hội bộc lộ tư duy độc lập và cá tính học thuật. Nhiệm vụ của người chấm không phải là tìm xem bài làm có giống đáp án hay không, mà là đánh giá xem bài làm có đạt chuẩn đầu ra, có phản ánh được năng lực tư duy không", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá toàn diện ưu điểm, hạn chế của đề thi cũng như việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh: VGP/Thu Trang
Ở chiều ngược lại, các môn trắc nghiệm như Toán, Tiếng Anh – vốn nhận nhiều ý kiến trái chiều về độ khó – được chấm hoàn toàn bằng máy. Điều này về mặt kỹ thuật bảo đảm sự khách quan, chính xác và không bị ảnh hưởng bởi yếu tố cảm tính.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo không bỏ qua những phản hồi từ xã hội. "Sau kỳ thi, khi có đầy đủ dữ liệu, Bộ sẽ đánh giá toàn diện ưu điểm, hạn chế của đề thi cũng như việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để có điều chỉnh hợp lý cho các năm tiếp theo", ông Thưởng khẳng định.
Việc chấm máy không có nghĩa là buông lỏng giám sát. Việc quét bài, xử lý dữ liệu, đối chiếu kết quả đều có quy trình kiểm soát chặt chẽ, tránh sai lệch kỹ thuật có thể ảnh hưởng tới kết quả thật của học sinh.
Theo dự kiến, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được công bố vào 8 giờ sáng ngày 16/7 trên toàn quốc - Ảnh: VGP/Thu Trang
Tại thời điểm này, công tác chấm thi tại 34 tỉnh, thành trên cả nước đang được triển khai đúng tiến độ, đúng quy chế. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT không khuyến khích "chạy nước rút" theo kiểu hình thức. "Không được ép tiến độ đến mức gây căng thẳng, cũng không được chấm quá nhanh dễ dẫn đến bỏ sót bài hoặc sót ý", ông Thưởng thẳng thắn.
Mục tiêu xuyên suốt là "bảo đảm chất lượng chấm – đánh giá đúng thực chất ghi nhận đầy đủ kết quả làm bài của thí sinh". Hay nói cách khác, nhanh không bằng đúng.
Theo dự kiến, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được công bố vào 8 giờ sáng ngày 16/7 trên toàn quốc. Đây không chỉ là thời điểm được chờ đợi nhất của học sinh lớp 12, mà còn là thời khắc ngành giáo dục "trả lời" cho xã hội về một kỳ thi trung thực, khoa học và nhân văn.
Trong nền giáo dục hiện đại, kỳ thi không chỉ là công cụ kiểm tra kiến thức mà còn là thước đo chất lượng quản lý, năng lực vận hành và khả năng thích ứng của cả hệ thống. Một đề thi mở cần người dạy đổi mới. Một kỳ thi toàn diện cần người quản lý bản lĩnh. Và một kết quả thi đúng cần người chấm có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Chấm thi vì kết quả thật, vì quyền lợi của từng học sinh, đó là điều không thể đong đếm bằng thời gian hay công thức. Đó là tinh thần cốt lõi để kỳ thi không dừng lại ở việc 'đánh giá' mà còn góp phần 'giáo dục'".
Thu Trang