Đến thăm khám tại nhà cho cháu V, bác sĩ Võ Văn Nguyên Lợi, Trung tâm Nhi thuộc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết sức khỏe của bệnh nhi đã hoàn toàn như người bình thường
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trước đó, vào ngày 18/3, cháu N.T.V. mệt nhiều, co giật và được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Tại đây, các bác sĩ phát hiện nhịp tim chậm kèm block nhĩ thất cấp 3 – một tình trạng rối loạn dẫn truyền tim nghiêm trọng, nên lập tức chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Huế.
Khi vào Khoa Hồi sức tích cực-cấp cứu nhi (Bệnh viện Trung ương Huế), bệnh nhi còn tỉnh táo, nhưng biểu hiện sinh tồn cho thấy tình trạng nguy kịch, tay chân lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim chỉ còn 30–40 lần/phút, được chẩn đoán: Viêm cơ tim thể tối cấp biến chứng block nhĩ thất độ III gây sốc tim nặng, nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ ngay lập tức thiết lập đường thở, sử dụng phối hợp 2 loại thuốc trợ tim nhằm nâng huyết áp, nhịp tim đến mức an toàn tối thiểu và kích hoạt quy trình báo động đỏ. Một cuộc hội chẩn khẩn với Khoa Can thiệp tim mạch được tiến hành để đặt máy tạo nhịp tạm thời.
Sau khi đặt máy tạo nhịp, huyết động của trẻ được cải thiện, mang lại hy vọng ban đầu cho ê-kíp điều trị. Tuy nhiên, trong 2 ngày theo dõi tiếp theo, chức năng tim tiếp tục suy giảm, chỉ còn 1/3 so với bình thường, đe dọa tính mạng bệnh nhi.
Trước tình trạng tim "kiệt sức dần", ngày 16/4 Khoa Hồi sức Tích cực-cấp cứu nhi quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO để hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp, giúp trái tim trẻ được "nghỉ ngơi" và có cơ hội hồi phục. Quy trình ECMO được triển khai đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa: Ngoại lồng ngực-tim mạch và Hồi sức gây mê-tim mạch.
Sau 5 ngày chạy ECMO, chức năng tim của bệnh nhi cải thiện rõ rệt. Cháu bé được rút ECMO, ngừng máy tạo nhịp và cai máy thở thành công. Sức khỏe của cháu đã hồi phục hoàn toàn, có thể đi lại bình thường, các chỉ số tim mạch và huyết động trở lại ổn định. Ngày 23/4, cháu N.T.V. đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.
Đến thăm khám tại nhà cho cháu V. vào ngày 26/4, BS. Võ Văn Nguyên Lợi (Trung tâm Nhi thuộc Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, sức khỏe của cháu đã hoàn toàn như người bình thường. Các chức năng tim đã cơ bản khôi phục.
"Trong thời gian tới, cùng với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bằng kỹ thuật ECMO, chúng tôi hy vọng có thể cứu sống nhiều hơn nữa các bệnh nhi mắc bệnh cấp tính nguy hiểm như thế này", BS. Võ Văn Nguyên Lợi chia sẻ.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, ECMO – kỹ thuật hồi sức tiên tiến đã trở thành "vũ khí" hữu hiệu cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch. Kỹ thuật ECMO đã được Bệnh viện thực hiện thành công lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/2009, chủ yếu cho bệnh nhân sốc tim, viêm cơ tim, phẫu thuật tim mạch, suy hô hấp cấp tiến triển với thở máy không hiệu quả. Hiện tại kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy tại Trung tâm Nhi của Bệnh viện.
NA