Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đã lập nên nhiều kỷ lục về ghép tạng, cứu sống nhiều bệnh nhân.
Cùng với xu thế phát triển ngành ghép tạng của thế giới, ở Việt Nam, kỹ thuật ghép tạng được triển khai từ năm 1992. Bệnh viện Trung ương Huế ghi dấu trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam với ca ghép thận đầu tiên vào năm 2001, mở đầu cho hành trình hơn 20 năm với gần 2.100 ca ghép mô, tạng được thực hiện thành công; kỹ thuật ghép tạng của Bệnh viện phát triển với tốc độ vượt bậc, tiệm cận với thế giới.
Đáng chú ý, ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế đã đi vào hoạt động thường quy, phẫu thuật gần 300 ca mỗi năm. Bên cạnh việc duy trì các kỹ thuật ghép yêu cầu cao và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, các chuyên gia ghép thận của Bệnh viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sống thận ghép và các trường hợp khó, nhiều bệnh lý phức tạp kèm theo. Điển hình là áp dụng kỹ thuật rửa thận ngược dòng, ghép thận 2, 3, 4 động mạch hoặc tĩnh mạch, lấy thận ghép nội soi, ghép thận lần 2...
Năm 2022, Bệnh viện bắt đầu ghép thận từ người cho chết não, mở ra một chương mới về ghép tạng, không chỉ trong kỹ thuật chuyên môn mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhưng để làm được điều này, ngoài các thầy thuốc ngày đêm miệt mài học hỏi các phương pháp chuyên môn tối ưu nhất cho bệnh nhân; cần có sự mở lòng của cộng đồng, cần những tấm lòng vàng của gia đình những bệnh nhân không may chết não hiến tặng tạng.
Ngày 5/7/2023, kíp y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thần tốc đưa trái tim từ người hiến tặng tại Hà Nội về Huế cứu sống một bệnh nhân suy tim.
Ghép tim là phương pháp điều trị triệt để nhất, tạo ra cơ hội mới cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao tuổi thọ cho người bệnh. Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim đầu tiên vào năm 2011, thành công này là bước khởi đầu quan trọng để Bệnh viện triển khai các ca ghép tim tiếp theo, đồng thời sử dụng thêm các tạng khác của người cho tim (thận, giác mạc, gan, tụy...) để ghép cho những bệnh nhân chờ ghép và cho tới thời điểm này, đã có 14 ca ghép tim thành công được thực hiện tại Bệnh viện.
Từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 14 ca ghép tim, 2 ca ghép gan và 7 ca ghép thận xuyên Việt trong điều kiện nhận điều phối tạng gặp rất nhiều khó khăn do quãng đường vận chuyển phức tạp, phải vận chuyển tạng bằng máy bay dân dụng cùng với hành khách, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới và Việt Nam; việc lấy tạng thực hiện ở các bệnh viện tuyến dưới, nhân lực phải phân chia thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ…
Đặc biệt, ca ghép tim xuyên Việt ngày 06/5/2022 đạt được 03 kỷ lục mới: Thời gian từ khi lấy tim đến khi tim đập lại ngắn nhất, thời gian phẫu thuật ngắn nhất, thời gian bệnh nhân nằm viện ngắn nhất.
Tiếp sau đó, Bệnh viện đã lập ba kỷ lục về ghép tạng trong vòng 48 giờ đồng hồ vào ngày 02/4/2024: Kỷ lục thứ nhất là "Ngày ghép tạng" bắt đầu từ ngày 2/4/2024 với 4 ca ghép thận cùng huyết thống, 1 ca ghép thận tự thân (bệnh nhân đa chấn thương, chấn thương thận độ 4), 3 ca ghép tạng xuyên Việt; kỷ lục thứ hai là lần đầu tiên thực hiện ghép bộ ba tạng tim, gan, thận xuyên Việt từ người cho chết não tại bệnh viện tuyến tỉnh (BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh); kỷ lục thứ ba là thời gian vận chuyển 3 tạng xuyên Việt cho cùng một đơn vị dài nhất.
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bệnh viện cũng đã thực hiện thành công ca ghép tim thứ 15 từ tạng hiến được điều phối từ Bệnh viện Đại học y Dược TPHCM.
Sự thành công của 22 ca ghép tạng "xuyên Việt" đã khẳng định vị thế của Bệnh viện trong việc chinh phục đỉnh cao ghép tạng, đó là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của nhiều trung tâm, khoa phòng với nhiều chuyên ngành trong toàn viện, thể hiện sự nỗ lực vô cùng lớn của tập thể cán bộ Bệnh viện Trung ương Huế.
Đến nay, tại Bệnh viện Trung ương Huế đã có 48 mắt bệnh nhân được thực hiện ghép giác mạc thành công, hồi phục thị lực.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, ghép giác mạc được triển khai từ năm 1999. Ghép giác mạc hiện là phương pháp duy nhất và hiệu quả nhất giúp bệnh nhân bị tổn thương giác mạc có cơ hội phục hồi thị lực, đặc biệt là trong những trường hợp điều trị nội khoa không còn mang lại kết quả.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các ngân hàng mắt trong và ngoài nước, nguồn giác mạc trở nên phong phú hơn. Đến nay, 48 bệnh nhân đã được thực hiện ghép giác mạc tại Bệnh viện. Ngoài triển khai những kỹ thuật, phẫu thuật thường quy chuyên ngành, Bệnh viện đã tiếp cận và ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại để điều trị các bệnh của mắt như bệnh lý về giác mạc, bệnh tạo hình, u hốc mắt, bệnh bán phần sau của mắt, đặc biệt về phẫu thuật cấy ghép giác mạc.
Theo các bác sĩ, việc ghép giác mạc không chỉ mang lại ánh sáng cho người bệnh mà còn thể hiện một thông điệp sâu sắc về tinh thần nhân ái, sự sẻ chia trong cộng đồng. Những hành động cao đẹp từ người hiến tặng và gia đình đã để lại dấu ấn không thể nào phai trong lòng các y bác sĩ, bệnh nhân và toàn thể cộng đồng. Đó là món quà quý giá nhất – món quà của sự sống, của ánh sáng.
Thành công trong việc ghép tủy đồng loại tại Bệnh viện Trung ương Huế mở ra nhiều cơ hội mới cho các bệnh nhi mắc bệnh di truyền và hiểm nghèo tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Cùng với các kỹ thuật trên, việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị hỗ trợ ung thư vú và buồng trứng đã được Bệnh viện triển khai thường quy. Năm 2019, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành kỹ thuật ghép tế bào gốc ở trẻ em với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TPHCM nhằm hỗ trợ điều trị bệnh lý u nguyên bào thần kinh, Bệnh viện là cơ sở đầu tiên tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và là cơ sở thứ hai trong cả nước thực hiện kỹ thuật này. Kết quả bước đầu rất khả quan, mang lại tín hiệu tích cực trong điều trị ung thư ở trẻ em.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã thực hiện thành công gần 50 ca ghép, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý u đặc trẻ em. Ghép tế bào gốc trên bệnh nhi u nguyên bào võng mạc di căn và Burkitt Lymphoma tái phát cũng là những ca đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Huế. Ngoài ra, Bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị cho bệnh nhân U lympho không Hodgkin đầu tiên tại miền Trung.
Trong ghép tế bào gốc đồng loài, Bệnh viện thực hiện thành công 04 ca ghép tủy đồng loại do bệnh lý Thalassemia và 06 ca ghép tế bào gốc tự thân điều trị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao.
Các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã điều trị thành công và cho xuất viện 2 bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh nhờ kỹ thuật ghép tủy đồng loại.
Với những thành công trên, có thể khẳng định sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật ghép tạng đã mang lại cho bệnh nhân những hy vọng mới cùng cơ hội vượt qua bệnh hiểm nghèo, viết tiếp tương lai trong một cơ thể khỏe mạnh hơn. Trong tương lai gần, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật ghép tạng thường quy, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và kết quả ghép tạng; khẳng định thương hiệu Trung tâm Y học cao cấp, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực ghép tạng.
70 năm qua, ngành y tế Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ những bước đi ban đầu đầy khó khăn, ngành y tế nước ta, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế, đã có những bước tiến vượt bậc, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lương y như từ mẫu".
Lan Hương-Nhật Anh