Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tiếp nhận phản ánh của công dân tại Đà Nẵng với nội dung: "Khu nhà ở cho công nhân KCN Hòa Cầm, Đà Nẵng khánh thành tháng 10/2020, do dịch COVID-19 tháng 10/2021 mới có công nhân ở, nhưng hiện nay nhiều hồ sơ của công nhân còn tồn đọng và theo thông tin thì chưa tới 1/3 khu nhà được khai thác để cho công nhân ở, vì hồ sơ xét duyệt lâu và nhiều yêu cầu khắt khe".
Công dân cho rằng nếu không cấp nhà ở cho công nhân, để không như vậy sẽ xuống cấp và cũng trái với tinh thần hỗ trợ nhà ở cho công nhân tại các KCN. Công dân đề nghị, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tại Đà Nẵng nới lỏng quy trình, linh động trong việc xét duyệt hồ sơ vì còn rất nhiều công nhân mong chờ được thuê, để không gây lãng phí và xuống cấp."
Từ phản ánh của công dân, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã tìm hiểu thực tế tại KCN Hòa Cầm.
Chị Nguyễn Thị Mi (công ty Fujifura, KCN Hòa Cầm) cho biết, 2 vợ chồng chị đều làm ở KCN, gia đình 2 con nhỏ đang thuê nhà trước KCN Hòa Cầm với giá 1 triệu đồng/tháng nhưng nhà thuê ngày càng xuống cấp.
"Hai vợ chồng làm 2 công ty đều ở KCN nên làm 2 bộ hồ sơ để mong được xét duyệt nhanh hơn. Chồng tôi đăng ký ở công đoàn công ty từ tháng 4, tôi mới đăng ký vào tháng 7 nhưng đến nay vẫn chưa được thông báo lại có được hay không", chị Mi chia sẻ.
Cũng mong ngóng từng ngày được ở tại nhà ở công nhân để giảm gánh nặng chi phí, chị Phạm Thị Liên (Công ty Foster, KCN Hòa Cầm) cho biết chị hoàn toàn đủ các điều kiện đăng ký nhà ở theo quy định, chị là mẹ đơn thân có 2 con, công tác tại Công ty Foster đã được 12 năm, chưa có nhà ở nên đang ở trọ tại Túy Loan cách chỗ làm 3-4 cây số, đi lại khá bất tiện.
"Sau đợt dịch COVID-19 vừa qua, được công đoàn công ty thông báo, chúng tôi đăng ký làm hồ sơ ngay. Các điều kiện đã đủ rồi, tôi cũng nghe nói nhà ở còn rất nhiều nhưng đến nay gần 3 tháng vẫn chưa có tin tức gì. Tôi mong từng ngày được vào đây ở để giảm bớt chi phí sinh hoạt thuê ngoài, có thêm tài chính để nuôi các con", chị Liên bày tỏ.
Theo ghi nhận của PV, thực tế khu chung cư nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm, các công nhân ở đây phản ánh về tình trạng phòng ở quá nhỏ, chật chội.
Gia đình chị Lê Thị Bê (Công ty Foster, KCN Hòa Cầm) đã chuyển về đây sinh sống từ đầu năm 2021, chị là mẹ đơn thân có 4 đứa con. Năm mẹ con chị được phân vào phòng thường với diện tích chỉ gần 16 m2, ngoài khu vệ sinh, ban công thì diện tích sinh hoạt chỉ khoảng 11-12 m2.
Cũng như gia đình chị Bê, gia đình chị Trần Thị Hiền (Công ty Fujifura) cũng về đây từ đầu năm 2021. Chị cho biết gia đình chỉ có 3 người nhưng chị thấy rất chật chội, cả nhà chỉ trải chiếu ra sàn nằm chứ không dám kê thêm giường để có chỗ đi ra vào. Phòng ở quá nhỏ nên ngày lễ, tết gì cũng không dám mời ông bà, họ hàng, người thân tới chơi nhà vì không có chỗ ngồi.
Theo công nhân ở đây, rất nhiều người đã nộp hồ sơ và được duyệt, bốc số phòng nhưng sau khi đi thực tế các phòng thì đã rút lại hồ sơ vì phòng quá nhỏ, chật hẹp. Ngoài ra, cũng có nhiều công nhân đi khảo sát trước khi nộp hồ sơ cũng bỏ ý định vì lý do trên.
Chị Lê Thị Bê cho biết: "Hiện ở đây các phòng có diện tích từ 15,75 m2 đến 46,03 m2 (phòng đôi) nhưng hầu hết các hộ được phân vào phòng 15,75 m2, phòng đôi chưa được bố trí. Nhiều công nhân đã bày tỏ mong mỏi lên ban quản lý tòa nhà, các cấp công đoàn về việc tìm cách mở rộng phòng ra, có thể thông 2 phòng làm 1 để các hộ gia đình đông thành viên, đông con nhỏ như chúng tôi có điều kiện sống thoải mái hơn. Hoặc cho chúng tôi đến ở những phòng có diện tích lớn hơn".
Cố gắng đơn giản hóa thủ tục
Theo Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng, công trình nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu 70 tỷ đồng gồm 3 khối nhà có quy mô 5 tầng và một tầng áp mái với 278 phòng ở đơn và 7 phòng ở đôi, 3 phòng sinh hoạt chung, 1 phòng y tế, nhà xe, giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân với giá thuê đã bao gồm chi phí quản lý, vận hành thấp hơn so với thuê phòng trọ ngoài, có 66 phòng giá thuê 320.000 đồng/tháng.
Đối tượng được thuê là những người lao động làm việc theo loại hình hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 12 tháng trở lên tại các doanh nghiệp được đăng ký đầu tư tại các KCN trên địa bàn Thành phố; chưa có nhà ở, hoặc có nhà ở nhưng dột nát hoặc diện tích bình quân dưới 10 m2/người.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng, số lượng phòng đã xây dựng xong gồm 285 phòng, số lượng công nhân đang ở là 40 phòng đã ký hợp đồng thuê nhà với Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng.
Ông Minh cho hay lý do số phòng đã được thuê còn thấp là do từ khi đưa vào sử dụng đến nay, từ cuối năm 2020 và năm 2021, TP. Đà Nẵng trải qua nhiều đợt dịch COVID-19 liên tiếp, khu nhà ở công nhân trở thành điểm cách ly F1, nên không có thêm công nhân được xét duyệt chỗ ở.
"Từ tháng 3/2022 đến nay, khi dịch bệnh cơ bản đã ổn định, nhà ở công nhân được UBND quận Cẩm Lệ bàn giao cho Liên đoàn Lao động Thành phố quản lý. Tuần vừa rồi, Liên đoàn tiếp tục đề xuất UBND Thành phố ký quyết định cho 32 hồ sơ đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn và tiếp tục đang nhận hồ sơ", ông Minh cho hay.
"Đúng là điều kiện xét duyệt nhà ở cho công nhân cũng giống như điều kiện vào nhà ở xã hội nói chung nên chúng tôi đang kiến nghị để có giải pháp, thủ tục đơn giản hơn để nhanh chóng lấp đầy. Về diện tích phòng hơi nhỏ, bên LĐLĐ đang phối hợp với các cơ quan như Viện Quy hoạch lập phương án để trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định", ông Minh cho hay.
Theo Công đoàn Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, hiện nay, công nhân lao động đang sinh sống thuê trọ nhiều nơi hoặc sống cùng đồng nghiệp, người quen, bạn bè. Việc ăn ở, di chuyển nhiều nơi phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, thu nhập, vì vậy đa số công nhân từ các tỉnh, thành phố khác không có đăng ký tạm trú tại TP. Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng, điều kiện công nhân đăng ký thuê nhà ở xã hội phải có hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú tại địa phương nơi có nhà xã hội cho thuê.
Đến nay, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện với nhiều giải pháp hỗ trợ, tuy nhiên số lượng đoàn viên, người lao động đăng ký vào ở tại nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm theo đối tượng là "công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN Hòa Cầm", điều đó làm cho số lượng người được duyệt quá ít (40 phòng/285 phòng), chưa đáp ứng yêu cầu lấp đầy các khối nhà.
Từ thực trạng đó, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố đề nghị Sở Xây dựng trình UBND Thành phố thống nhất chủ trương mở rộng đối tượng thuê nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm cho tất cả đoàn viên, công nhân, người lao động đang làm việc, thuê nhà ở trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ.
Minh Trang