In bài viết

Đà Nẵng góp ý các điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Chinhphu.vn) – Tại Hội thảo khoa học “Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức ngày 28/2, các đại biểu tham gia góp ý các điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm giải quyết các vấn đề bất cập tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai như: Giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; xác định giá đất…

28/02/2023 17:21
Đà Nẵng thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sử - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Thành phố có hơn 1.300 dự án đang gặp vướng mắc

Tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết: "Một trong những vấn đề rất lớn của Thành phố hiện nay là giải quyết những câu chuyện cũ. Ở đây, chúng ta đang tổng kết thực tiễn Luật Đất đai năm 2013, nhưng về bản chất là chúng ta đang phải giải quyết những tồn tại của Luật Đất đai năm 2003. Chẳng hạn, từ năm 2003-2010, Thành phố xác định có hơn 1.300 dự án đang gặp vướng mắc, đã đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết".

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực và kinh nghiệm trong thực tiễn tham gia góp ý các điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm giải quyết các vấn đề bất cập tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai như: Giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; xác định giá đất… và nhất là các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và nội dung của các bản án của tòa án nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai, nguồn lực của xã hội để thúc đẩy sự phát triển của Thành phố.

Giá đất phải "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường"

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cho biết, sau khi quận tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến toàn thể cán bộ, người lao động và nhân dân trên địa bàn, đa số ý kiến quan tâm đến các vấn đề như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và nhất là giá đất.

Theo đó, một trong những nguyên tắc định giá đất là phải "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường" nhưng trên thực tế hiện nay, giá đất của Nhà nước quy định thường thấp hơn giá đất thị trường. Điều này đã dẫn đến bất cập, khó khăn khi thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bởi giá đền bù quá chênh lệch với giá thị trường khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận. Vì thế khi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, dự án công cộng... thì mặt bằng luôn là một trong những "điểm nghẽn" khiến các công trình chậm tiến độ.

Tại Điểm b Khoản 2 Điều 155 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Nội dung này về cơ bản là phù hợp với quy định về thẩm quyền ban hành các quy định giao đất, thuê đất, thu hồi đất...; theo đó, cơ quan nào ban hành quyết định giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất... thì cơ quan đó quyết định giá đất cụ thể. Đồng thời cũng giúp UBND quận, huyện chủ động hơn trong việc xác định giá đất và hệ số giá đất giúp đẩy nhanh tiến độ giải toả đền bù và bố trí tái định cư của các dự án trên địa bàn.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định đối với trường hợp trong cùng dự án có nhiều đối tượng sử dụng đất (vừa có tổ chức, vừa có hộ gia đình, cá nhân) thì việc xác định, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể vẫn thực hiện theo thẩm quyền hay ủy quyền cho 1 cấp thực hiện để đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán về giá đất được phê duyệt trong cùng phạm vi dự án. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định này tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

GS.TS Võ Thị Thuý Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết, đối với Điều 153 và 154 liên quan đến phương pháp định giá đất cũng như bảng giá đất, hiện nay chúng ta đang băn khoăn nên lấy bảng giá đất định kỳ, hàng năm hay như thế nào. Việc điều chỉnh bảng giá đất phải phụ thuộc vào mức độ biến động thị trường, việc rà soát lại giá đất phải làm định kỳ thường xuyên liên tục, tuy nhiên khi có những biến động lớn thì mới cần phải có những điều chỉnh bảng giá đất, và ngưỡng cần phải điều chỉnh được xem bao nhiêu phụ thuộc vào biên độ biến động thị trường trong khoảng một mốc thời gian.

"Cùng với việc xây dựng bảng giá đất  thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường rất quan trọng. Do đó cần có sự đầu tư bài bản để có cơ sở dữ liệu này, về lâu dài sẽ phục vụ cho chúng ta xây dựng bảng giá tốt nhất", GS.TS Võ Thị Thuý Anh cho hay.

Bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng có ý kiến về việc thu hồi đất của người Việt Nam định cư tại nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Cụ thể, trước khi định cư nước ngoài, họ là công dân Việt Nam có sở hữu nhà và đất tại Việt Nam. Sau khi công dân định cư tại nước ngoài đã chấp hành việc thu hồi đất của nhà nước, nhưng hiện nay việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp này sẽ vướng.

"Tại Điều 143, khoản 7 quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử đất là cơ quan đăng ký đất đai thì chúng ta phải làm rõ là cơ quan đăng ký đất đai là những ngành nào, bộ phận nào? Hiện nay địa phương không cấp được giấy cho những trường hợp này", bà Hồ Thị Cẩm Nhung cho hay.

Lưu Hương