Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, trong số diện tích rừng đặc dụng có 1,165 triệu ha diện tích Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên là 1,029 triệu ha; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh là 0,069 triệu ha; Khu bảo vệ cảnh quan, di tích văn hóa - lịch sử là 0,120 triệu ha và rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học là 0,001 triệu ha. Có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích rừng đặc dụng; một số tỉnh có diện tích rừng đặc dụng lớn nhất là: Đắk Lắk có 229.678 ha, Nghệ An có 173.738 ha, Quảng Bình có 146.588 ha, Quảng Nam có 130.286 ha, Đồng Nai có 102.828 ha; các tỉnh có diện tích rừng đặc dụng ít nhất là: Bình Dương có 260 ha, Bạc Liêu có 278 ha, Sóc Trăng có 300 ha.
Rừng đặc dụng đang được bảo vệ như những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) khẳng định, việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng và cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.
Diện tích các Vườn quốc gia được giao cho 34 Ban quản lý và được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập; trong đó có 6 Ban quản lý trực thuộc Cục Kiểm lâm; 21 Ban quản lý trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; 7 Ban quản lý trực thuộc Sở NN&PTNT các tỉnh
Cục Lâm nghiệp cho biết, nhờ thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên nên có thể khẳng định hệ sinh thái rừng vẫn còn được bảo vệ tương đối nguyên vẹn trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia. Do vậy, việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, để xã hội hóa nghề rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng, trong Luật Đất đai sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét, Bộ NN&PTNT có đề xuất sửa đổi một số điều như cho phép thuê môi trường rừng để trồng dược liệu.
Bộ NN&PTNT cũng tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định một số chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có đề xuất nâng định mức hỗ trợ người dân bảo vệ rừng. Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến lớn cho các chính sách đầu tư, phát triển rừng cũng như thu hút các doanh nghiệp trong chế biến lâm sản.
Đỗ Hương