In bài viết

Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước

(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Trung ương tập trung thảo luận, làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được triển khai thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

03/10/2022 10:48
Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ đẩy mạnh CNH-HĐH là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội -Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đề cập nội dung tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ đẩy mạnh CNH-HĐH là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra nhiệm vụ: "Đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa" trên cơ sở đẩy mạnh CNH-HĐH.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua (2011 - 2020), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng đẩy mạnh CNH-HĐH, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ vào GDP đạt khoảng 72,7% năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá. Tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Nội lực của nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy CNH-HĐH, hiện đại hoá; doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế. Quá trình đô thị hoá cũng chưa đồng bộ, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với CNH-HĐH và xây dựng nông thôn mới. Các vấn đề về phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo vệ môi trường cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ với phát triển kinh tế,...

Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Trong bối cảnh mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam "là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao", đến năm 2045 "trở thành nước phát triển, thu nhập cao", cần phải "tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết để quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ráo riết chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổng kết lý luận và thực tiễn, nghiên cứu xây dựng Đề án trình Trung ương tại Hội nghị lần này xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là một công việc rất cơ bản, phạm vi rất rộng lớn, tính chất hết sức phức tạp, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, hiện vẫn còn những vấn đề chưa thật rõ và không ít những ý kiến khác nhau, nhất là trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị xuất phát từ thực tiễn, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước trong thời gian qua, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Từ đó, bám sát Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước, xu thế phát triển trên thế giới, tập trung thảo luận, làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được triển khai thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguyễn Hoàng