Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) và UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến về các nội dung hiện trạng khai thác và sử dụng nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; định hướng kế hoạch hình thành tổ chức lưu vực sông này.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam với tổng diện tích lưu vực là 10.035 km2. Lượng mưa hàng năm trên lưu vực sông từ 2.000-4.000 mm và được phân bố như sau: từ 3.000-4.000 mm ở vùng núi cao như Trà My, Tiên Phước; từ 2.500-3.000 mm ở vùng núi trung bình như Khâm Đức, Nông Sơn, Quế Sơn; từ 2.000-2.500 mm ở vùng núi thấp và đồng bằng ven biển: Tây Giang, Đông Giang, Ba Na, Hội Khách, Ái Nghĩa, Giao Thuỷ, Hội An, Đà Nẵng.
Về tài nguyên nước mặt, hiện nay trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn có tổng lượng dòng chảy mặt hệ thống sông Thu Bồn vào khoảng 24 tỷ m3. Ngoài ra còn có 2 tầng chứa nước dưới đất.
Trong thời gian qua, để quản lý, điều hành các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường và vùng bờ trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, từ năm 2027 lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã thống nhất thành lập Ban điều phối lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng nhằm tăng cường sự phối hợp giữa hai địa phương và các bên liên quan để quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng.
Bà Lê Thùy Trinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết sau giai đoạn thử nghiệm từ năm 2017-2022, ngày 11/9/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Đà Nẵng tiến hành thực hiện ký kết Thỏa thuận tăng cường phối hợp giữa hai địa phương về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng trong thời gian tới.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, trong thời gian qua, với sự tích cực tham gia điều hành của Ban điều phối, Tổ công tác nên việc thử nghiệm Ban điều phối quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam Đà Nẵng, đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường lưu vực sông và vùng bờ tại hai địa phương.
Thông qua các hội thảo, hội nghị trao đổi giữa hai địa phương, đã đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương nhiều giải pháp quản lý, điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa cạn và mùa lũ vận hành hiệu quả, đáp ứng hài hòa nhu cầu sử dụng nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Hai địa phương đã chủ động, phối hợp triển khai hiệu quả, thiết thực một số hoạt động trên lưu vực như: Nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; nâng cao năng lực cho cán bộ, quản lý trong việc quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trên lưu vực sông; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng nước mặt, xây dựng các trạm quan trắc môi trường nước mặt lưu vực sông.
Trên cơ sở kết quả hoạt động của Ban điều phối và để đảm bảo an ninh nguồn nước trong lưu vực, cũng như đảm bảo phát triển, quản lý vận hành lưu vực sông Vu Gia–Thu Bồn một cách bền vững hài hòa nhu cầu sử dụng nước giữa các bên liên quan, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ TN&MT sớm tham mưu thành lập Tổ chức lưu vực sông Vu Gia–Thu Bồn (theo Luật Tài nguyên nước 2023) để điều phối, giám sát, giải quyết các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do ô nhiễm nước gây ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, trong thời gian vừa qua đã có nhiều tổ chức lưu vực sông đã được thành lập thuộc hệ thống quản lý chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, việc thành lập và triển khai các tổ chức lưu vực sông này hiện nay vừa "thừa" vừa "thiếu", nếu phản ánh được khía cạnh "quản lý theo lưu vực sông" thì lại thiếu tiếp cận "quản lý tổng hợp" hoặc ngược lại, dẫn đến sự chồng chéo trong công tác quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông.
Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định rõ ràng các hoạt động cần phải được điều phối, giám sát trên lưu vực sông đồng thời nêu rõ nhiệm vụ của các Tổ chức lưu vực sông tại Điều 81, theo đó Bộ TN&MT thống nhất chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của tổ chức lưu vực sông, UBND cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông.
Định hướng chung cho lộ trình thành lập thí điểm tổ chức lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn là xây dựng cơ sở đảm bảo hài hòa các mục tiêu sử dụng tổng hợp nguồn nước, ngoài đảm bảo an ninh năng lượng, hiệu quả phát điện còn phải đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở hạ du và hạn chế các tác động không mong muốn gây ra sự phân bổ dòng trầm tích không đều từ thượng lưu đến hạ du, làm giảm khối lượng vận chuyển trầm tích cho vùng cửa sông và các đường bờ lân cận, giảm nguồn cung cấp cát cho bờ biển.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, ngoài việc tiếp tục duy trì thể chế liên tỉnh-thành phố để hợp tác, điều phối các hoạt động liên quan tới quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng, hai địa phương sẽ tiếp tục cùng nhau nghiên cứu, ứng dụng KHCN để đề xuất các giải pháp quản lý tổng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như: Giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực đến tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; vận hành các công trình điều tiết, sử dụng nước quy mô lớn hợp lý, hài hòa, đa mục tiêu.
Nhật Anh