In bài viết

Để tàu cá vỏ thép thực sự vươn khơi?

(Chinhphu.vn) - Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 mang đến cơ hội để các tỉnh ven biển có điều kiện đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá, đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm trang bị cho ngư dân những chiếc "cần câu lớn" để yên tâm vươn khơi, bám biển, vững vàng trước sóng gió khơi xa. Chủ trương này được ngư dân đón nhận rất tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế khiến chính sách không thể đi vào cuộc sống như kỳ vọng ban đầu. Giờ đây, nhiều tàu cá vỏ thép trở thành khoản nợ xấu rất lớn mà cả ngân hàng cho vay và chủ tàu đều không mong muốn.

21/05/2022 08:01

Bài 1: 

Từ đội tàu 3 đến 4 chiếc đến... bây giờ trắng tay

Ghi nhận tại các địa phương trọng điểm về đánh bắt xa bờ ở miền Trung, hàng loạt chủ tàu cá đóng mới theo chính sách ưu đãi của Nghị định 67 đã bị khởi kiện ra tòa vì không thể trả nợ, lãi vay đúng kỳ hạn. Có nhiều ngư dân từ vị thế là chủ đội tàu vài chiếc, có tiền tỷ, giờ lâm cảnh nợ nần, phải kiếm việc sống qua ngày.

Làm gì để cứu tàu vỏ thép nằm bờ - Ảnh 1.

Nhiều tàu cá vỏ thép của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi nằm bờ, sản xuất hiệu quả không cao - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đóng mới 14 tỷ đồng, giờ đấu giá còn 1,7 tỷ

Là ngư dân đầu tiên tại tỉnh Quảng Ngãi tiên phong đóng tàu vỏ thép, ông Võ Văn Hân (trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) có thâm niên kỳ cựu với nghề khai thác hải sản vùng khơi. Từ 30 năm trước, ông Hân đã theo cha anh, hàng xóm trên những con tàu vươn khơi bám biển trên vùng biển Hoàng Sa. 

Ông Hân chia sẻ quanh năm lăn lộn với sóng gió nên mong có được chiếc tàu lớn, kiên cố hơn tàu gỗ để thỏa niềm đam mê đi biển, làm giàu cho quê hương và góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Vì thế, khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67, ông đã không đắn đo mà quyết định đăng ký ngay. Tổng trị giá tàu gần 14 tỷ đồng, trong đó ngân hàng cho vay hơn 13,2 tỷ đồng với thời hạn cho vay vốn là 11 năm, lãi suất 7%/năm (chủ tàu trả 1%, Nhà nước hỗ trợ 6% lãi suất).

Tàu hạ thủy năm 2016, nhưng ngay chuyến đầu tiên máy bị hỏng, trục trặc, có những chuyến vừa ra khơi lại phải về bờ sớm. Chỉ đến năm 2017, tàu mới hoạt động tương đối ổn định, tuy nhiên năm 2018, trong lúc đánh bắt, tàu bị mất lưới cùng trang thiết bị trị giá 3,6 tỷ đồng.

Theo ngư dân, trong tình trạng này, phía bảo hiểm trả lời "mất hết cả con tàu mới bồi thường, còn mất lưới và trang bị thì không". Mất công cụ hành nghề, từ tháng 3/2018, vì không còn khả năng mua ngư cụ để tiếp tục hành nghề, tàu phải nằm bờ.

"Từ đó, chúng tôi không thể đảm bảo khả năng trả nợ, lãi vay ngân hàng. Đề nghị ngân hàng nhận lại con tàu thế chấp hay ai mua thì bán. Tháng 8/2018, đại diện ngân hàng cho vay đến kiểm tra tàu, lập biên bản mà chưa xử lý.

Sau 4 năm tàu nằm bờ, đến 8/2021, chúng tôi bị ngân hàng kiện ra tòa. Trong thời gian tàu nằm bờ, không vươn khơi nhưng ngân hàng vẫn tính lãi suất, tôi cũng không biết làm sao để trả. Khoản nợ quá lớn", ông Hân buồn bã cho hay.

Dự kiến trong tháng 5 này, tàu vỏ thép của ông Hân sẽ được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm khoảng 1,7 tỷ đồng.

Theo ông Hân, để hỗ trợ ngư dân thì cần những biện pháp kịp thời hơn từ các cơ quan quản lý, đặc biệt là đối với chủ tàu lâm cảnh trắng tay, không còn nhà để ở. Đối với những trường hợp như tàu của ông, cần hỗ trợ thủ tục nhanh gọn, hợp lý để bàn giao tàu, chuyển đổi nghề.

Làm gì để cứu tàu vỏ thép nằm bờ - Ảnh 2.

Ông Phạm Trí Thức từng là tấm gương vươn khơi, bám biển, được nhận Cúp Vàng Thủy sản Việt Nam năm 2012 - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Mất cả tàu lẫn nhà

"Ước nguyện của tôi sau khi chuyển đổi 3 con tàu vỏ gỗ, đóng tàu vỏ thép là có một đội tàu hùng mạnh, làm chủ biển khơi nhưng không ngờ chỉ sau vài năm lại hóa tay trắng. Mất tàu, chuẩn bị mất luôn cả nhà"
- ông Phạm Trí Thức, tấm gương vươn khơi bám biển, từng nhận Cúp vàng Thủy sản Việt Nam năm 2012

Sinh ra từ biển và kiên cường bám biển hơn 40 năm nay, ông Phạm Trí Thức (trú xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi) là tấm gương sáng vươn khơi, bám biển, từng được nhận Cúp Vàng Thủy sản Việt Nam, giải thưởng nông dân sản xuất giỏi.

Ông Thức cho biết khi Nghị định 67 được triển khai, nghĩ rằng sắm được phương tiện lớn sẽ khai thác hiệu quả hơn nên ông đã quyết định bán đội tàu vỏ gỗ 3 chiếc, lúc đó đang hoạt động hiệu quả, hằng năm mang lại thu nhập từ 3-3,5 tỷ đồng, để đối ứng nguồn vốn đóng tàu vỏ thép. Tổng vốn đầu tư gần 17 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 15,8 tỷ đồng.

"Tôi mong chờ hiện thực hóa ước mơ về đội tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, vững vàng, tự tin trước những chuyến hải trình", ông Thức nói.

Để nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn vay, gia đình đã thế chấp thêm ngôi nhà đang ở cho ngân hàng (dù Nghị định 67 quy định ngư dân chỉ cần thế chấp tài sản là con tàu).

Năm 2017 tàu ra khơi, năm đầu tiên chủ yếu vừa sản xuất, vừa rút kinh nghiệm, nhưng khi vận hành thì phát sinh nhiều khó khăn như tàu vỏ thép mới vận hành, mới tiếp cận, chưa quen, khó thao tác; việc sửa chữa tốn kém, phức tạp hơn…

Năm 2018, hoạt động đánh bắt gặp khó khăn, tàu lại bị mất ngư lưới cụ nên không có tiền sắm sửa lại. Muốn vay vốn đầu tư cũng không vay được. Trong khi đó, với khoản vay 15,8 tỷ đồng, mỗi quý, ông Thức phải trả ngân hàng 300 triệu đồng.

"Vì là vốn của ngân hàng thương mại nên họ phải làm theo nguyên tắc, mà nguyên tắc quá lại làm khó ngư dân, trong khi ngư dân cần thời gian để làm quen với tàu, cần có kinh nghiệm hơn trong sử dụng tàu vỏ thép, sản xuất để trả nợ", ông Thức cho biết.

Ông Thức trả nợ gốc, lãi được đợt 1, đợt 2 thì tàu đánh bắt không hiệu quả nên không đủ tiền trả ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con rồi nhanh chóng thành nợ xấu. Năm 2019 vì nợ tăng dần nên bị ngân hàng cho vay khởi kiện ra tòa, tàu bị kê biên và neo bờ. Năm 2021, con tàu vỏ thép của ông đã được bán đấu giá 1,6 tỷ đồng.

Chưa hết, mới đây ông Thức nhận được thông báo từ cơ quan chức năng sắp tới sẽ cưỡng chế ngôi nhà gia đình đang sinh sống.

"Ước nguyện của tôi sau khi chuyển đổi 3 con tàu vỏ gỗ, đóng tàu vỏ thép là có một đội tàu hùng mạnh, làm chủ biển khơi nhưng không ngờ chỉ sau vài năm lại trở nên tay trắng. Mất tàu, chuẩn bị mất luôn cả nhà. Giờ tôi chỉ mong giữ lại được căn nhà để che mưa nắng sống qua ngày", ông Thức cay đắng.

Hơn 50% số tàu cá bị khởi kiện ra tòa

Làm gì để cứu tàu vỏ thép nằm bờ - Ảnh 3.

Tỉnh Quảng Ngãi có 63 chiếc tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 nhưng đến nay có 32 chủ tàu bị khởi kiện vì không trả được nợ vay để đóng tàu - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết toàn tỉnh có 63 chiếc tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (gồm 11 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ). Trong đó có 1 tàu cá vỏ gỗ bị chìm năm 2017 đã được bảo hiểm bồi thường.

Tính đến cuối quý I/2022, trong số 62 tàu thì có 17 tàu trả nợ gốc/lãi đúng cam kết, dư nợ 40,56 tỷ đồng; số tàu trả nợ gốc/lãi không đúng cam kết là 45 tàu, dư nợ 245,9 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã khởi kiện 32 khách hàng phát sinh nợ xấu ra tòa án để giải quyết và 5 tàu đã bị bán để xử lý nợ, thu hồi 7,62 tỷ đồng.

Nguyên nhân phát sinh nợ xấu vay đóng mới tàu cá là do sản lượng đánh bắt giảm vì nguồn lợi thuỷ sản ngày càng suy giảm. Giá nhiên liệu ngày càng tăng trong khi giá bán sản phẩm giảm (do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tác động của cảnh báo "thẻ vàng" của EC) nên hiệu quả kinh tế đạt thấp. 

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho rằng Nghị định 67 ra đời với mục tiêu vừa giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta. Tuy nhiên, vì chưa lường hết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, dẫn đến nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là với tàu vỏ thép.

Bên cạnh đó, một số chủ tàu có tư tưởng cho rằng đây là chính sách hỗ trợ bằng nguồn vốn của Nhà nước mà chưa hiểu đây là nguồn vốn chủ tàu vay của ngân hàng thương mại và họ phải chịu trách nhiệm về khoản vay này nên phát sinh hiện tượng chủ tàu chây ỳ, không trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ.

Một số chủ tàu vỏ thép không đủ năng lực quản lý, vận hành, khai thác tàu mới đóng quy mô lớn, hiện đại nên hoạt động đạt hiệu quả thấp. Vốn đầu tư cho một tàu vỏ thép quá lớn nên khi hiệu quả kinh tế đạt thấp dẫn đến không đủ tiền trả nợ gốc/lãi định kỳ cho ngân hàng và đầu tư chi phí cho chuyến biển sau.

Nhóm phóng viên

Bài 2: Không có khả năng trả nợ, ngư dân phó mặc ngân hàng