Ngày 4/12, UBND tỉnh tổ chức họp với đại diện lãnh đạo các ngành liên quan, huyện, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh để bàn về giải pháp công nghệ số cho sản phẩm chè Thái Nguyên.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước về sản xuất chè với tổng diện tích đạt gần 22,2 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn, sản lượng chè qua chế biến đạt trên 53,5 nghìn tấn/năm. Đến năm 2023, toàn tỉnh đã có 5.148 ha được cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 151 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao. Hiện, giá chè Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn so với các vùng chè khác trong cả nước, trung bình từ 300.000 đồng/kg (chè móc câu) đến 5 triệu đồng/kg (chè đinh), trong đó đã có nơi sản phẩm chè đinh được bán với giá từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/kg thành phẩm. Nhiều công ty, hợp tác xã chè đã thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển sang sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ; đồng thời phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Đề xuất giải pháp phát triển ngành chè Thái Nguyên, lãnh đạo tập đoàn VNPT cho rằng, tỉnh cần quy hoạch vùng chè tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo môi trường thúc đẩy đầu tư chế biến chuyên sâu, xây dựng thương hiệu, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; phát triển thị trường và xuất khẩu.
Theo đó, việc triển khai được thực hiện "số hóa", bắt đầu từ nông hộ số; tổ hợp tác, hợp tác xã số; đại lý thu mua, hệ thống quản lý thu mua hàng; công ty, nhà máy; doanh nghiệp mua bán vật tư; quản lý mã số vùng trồng; ban nông nghiệp xã; truy xuất nguồn gốc .
Lộ trình triển khai, giai đoạn 1 là số hóa và cấp mã số vùng trồng (quý I và II-2025); giai đoạn 2 là chuẩn hóa quy trình và phát triển chuỗi giá trị (quý III-2025 và quý I-2026); giai đoạn 3 là mở rộng và tối ưu hóa (quý II đến IV-2026).
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao các giải pháp VNPT đưa ra và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối để cụ thể hóa thành chủ trương của tỉnh; đồng thời đề nghị VNPT phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai. Đồng chí chỉ đạo, phải có ký kết hợp tác giữa 2 đơn vị để triển khai thực hiện và xác định rõ dữ liệu đưa lên là phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai mô hình không sử dụng kinh phí của Nhà nước, không thu phí sử dụng của người dân. Các hợp tác xã và doanh nghiệp, trước mắt sẽ được dùng miễn phí. Khi việc thực hiện mô hình có hiệu quả có thể sẽ tính phí ở mức phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu thành lập tổ chức bộ máy có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và tổ giúp việc để nhanh chóng đi vào hoạt động. Quá trình thực hiện, vừa làm, vừa điều chỉnh và sẽ ngừng hoạt động nếu không hiệu quả...
Minh Anh