Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quy hoạch Vùng trung du và miền núi phía Bắc đã xác định quy hoạch hình thành trung tâm dữ liệu của vùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và phát triển Thái Nguyên thành trung tâm chuyển đổi số (CĐS) của vùng.
Nghị quyết số 01 của tỉnh cũng đề ra mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành Trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS. Từ đây mở ra cơ hội, con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội để Thái Nguyên tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển.
Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đến ngày 3/9/2024, Thái Nguyên đạt 83,87/100 điểm, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố.
Đến nay, Thái Nguyên đã thành lập trên 2.255 tổ công nghệ cộng đồng với gần 15.000 thành viên nòng cốt để hỗ trợ CĐS cho người dân; Ứng dụng C-Thái Nguyên đã có trên 362.000 lượt cài đặt; 140.000 hộ dân được tạo tài khoản để đưa thông tin lên mạng. Tổng doanh thu kinh tế số ước tính cả năm 2024 đạt 711,6 nghìn tỷ đồng.
Trên bình diện lãnh đạo, chỉ đạo, công tác xây dựng Đảng, Thái Nguyên cũng là địa phương đi đầu trong CĐS gắn với ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử… Đây là những kết quả tiêu biểu khẳng định vị thế của Thái Nguyên trên "bản đồ" CĐS quốc gia.
Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực trong bước đầu thực hiện công tác CĐS, nhưng công tác CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn.
Hiện nay, hạ tầng cứng của tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển, đồng bộ, bảo đảm kết nối liên thông, liên vùng quốc gia. Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư vào hạ tầng số, coi phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ trọng yếu để bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, cùng các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cùng các đơn vị liên quan, tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp, sát với thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra.
Cùng với phát triển hạ tầng số, nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng của CĐS. Tỉnh Thái Nguyên xác định trong giai đoạn 2024-2025, trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt; 100% có cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, sẻ chia trên toàn tỉnh.
Thái Nguyên cũng trọng tâm phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hướng tới hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tương tác hai chiều giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp trở nên hiệu quả, nhanh chóng hơn.
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2025, Thái Nguyên sẽ hoàn thành xây dựng Kiến trúc chính quyền số (phiên bản 3.0); triển khai Hệ thống thông tin 1022 kết nối người dân với chính quyền; triển khai camera giám sát thông minh ứng dụng AI; xây dựng Hệ thống định danh số thống nhất, linh hoạt và triển khai Bản đồ số phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh phấn đấu kinh tế số tiếp tục duy trì chiếm trên 30% GRDP và hoàn thành xây dựng Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển trí tuệ nhân tạo sâu rộng, bền vững và mở rộng mô hình, phương thức tập huấn để nâng cao kỹ năng số cho người dân.
Xác định CĐS là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt và phải có lộ trình cụ thể, Đề án CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025 cũng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tạo động lực cho quá trình CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo đó, để đạt được các mục tiêu trên, ngay trong năm 2024, 100% trường đại học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh triển khai 5G. Lấy đó làm tiền đề để năm 2025 100% khu dân cư được phủ sóng 5G, 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng thông rộng 4G/5G...
Tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo như 5G campus (mạng 5G trong khuôn viên), Smart factory (Nhà máy thông minh); triển khai hệ thống camera AI tại các khu công nghiệp, khu trung tâm… phục vụ công tác theo dõi, quản lý, thống kê người ra vào khu vực và kiểm soát an ninh trật tư.
Ngoài ra, nâng cao năng lực sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo cho lực lượng lao động theo tinh thần "bình dân học AI" để hình thành nên lực lượng sản xuất mới trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo để người dân Thái Nguyên có thể nâng cao mức sống và thu nhập…
Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng, Thái Nguyên đang nỗ lực chủ động triển khai quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, coi con người và trí tuệ nhân tạo là lực lượng sản xuất mới; dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất mới. Thái Nguyên là tỉnh đi tiên phong về chuyển đổi số và sẽ phát triển bằng chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
Cùng với cả nước, mỗi sở, ban, ngành, địa phương của Thái Nguyên đang nêu cao tinh thần trách nhiệm, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", phát huy quyết tâm "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để đẩy mạnh CĐS và triển khai có hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025.
Minh Anh