Tại dự thảo, thuật ngữ đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (đơn vị đăng kiểm) được đề xuất sửa đổi thành cơ sở đăng kiểm xe cơ giới (cơ sở đăng kiểm).
Cụ thể, theo dự thảo, cơ sở đăng kiểm xe cơ giới (cơ sở đăng kiểm) là tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới của cơ sở đăng kiểm, bên cạnh đề xuất các quy định về nguyên tắc hoạt động, điều kiện chung, điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về cơ cấu tổ chức, nhân lực, tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung quy định về điều kiện về hệ thống quản lý của cơ sở đăng kiểm.
Theo quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 30/2023/NĐ-CP: Trong vòng 18 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, đơn vị đăng kiểm phải xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001.
Tại dự thảo, điều kiện về hệ thống quản lý của cơ sở đăng kiểm được đề xuất cụ thể như sau:
Cơ sở đăng kiểm phải xây dựng hệ thống quản lý của đơn vị để đảm bảo thực hiện các nội dung công việc sau:
1. Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới theo đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.
2. Duy trì điều kiện cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại Nghị định này; bảo đảm các thiết bị, dụng cụ kiểm tra phải hoạt động bình thường; tuân thủ việc kiểm tra, hiệu chuẩn thiết bị, dụng cụ kiểm tra theo quy định của pháp luật về đo lường. Trong quá trình kiểm định, cơ sở đăng kiểm phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy.
3. Thu giá dịch vụ, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới, các khoản thu khác (nếu có) và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo đúng quy định của pháp luật.
4. Niêm yết công khai tại phòng chờ, xưởng kiểm định các nội dung về quy trình, nội dung kiểm định; biểu mức thu giá, phí, lệ phí, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam và nội dung các thông báo khác theo quy định.
5. Thực hiện việc truyền số liệu, báo cáo theo quy định.
6. Quản lý, cấp phát các loại ấn chỉ, chứng chỉ kiểm định đúng quy định.
7. Trong vòng 18 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, hệ thống quản lý chất lượng của cơ sở đăng kiểm phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001.
Theo dự thảo, chỉ tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Hoạt động kiểm định phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hệ thống các cơ sở đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân thì cho phép huy động cơ sở đăng kiểm và nhân lực của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp các quy hoạch có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định hiện đại.
Vị trí xây dựng cơ sở đăng kiểm phải tuân thủ quy định về đấu nối, kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định; bảo đảm an toàn, thuận lợi trong quá trình hoạt động, không gây cản trở và ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn