In bài viết

Đề xuất nhiều giải pháp phát triển đội ngũ trí thức lớn mạnh

(Chinhphu.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 (Chiến lược).

15/09/2022 17:42
Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 - Ảnh 1.

Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh với số lượng gắn với chất lượng, có cơ cấu hợp lý...

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh với số lượng gắn với chất lượng, có cơ cấu hợp lý, tham gia trực tiếp và khẳng định vai trò đối với thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững, chủ yếu dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 52-KL/TW nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, đóng góp của đội ngũ trí thức, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh giai đoạn 2021-2030.

Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể về phát triển đội ngũ trí thức, tỷ lệ trí thức có trình độ từ đại học là 1300/1 vạn dân vào năm 2025 và 1500/1 vạn dân vào năm 2030; tỷ lệ trí thức có trình độ thạc sỹ phấn đấu đạt 100/1 vạn dân vào năm 2025 và 125/1 vạn dân vào năm 2030; tỷ lệ trí thức có trình độ tiến sỹ là 9 tiến sĩ/1 vạn dân vào năm 2025 và 11 tiến sĩ/1 vạn dân vào năm 2030.

Đối với chỉ tiêu về đóng góp của đội ngũ trí thức, số lượng đơn đăng ký sáng chế, số lượng sáng chế được cấp bằng của cá nhân, tổ chức Việt Nam tăng trung bình 18-20%/năm trong giai đoạn 2021-2030; số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích, số lượng bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp bằng của cá nhân, tổ chức Việt Nam tăng trung bình 15- 20%/năm.

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số phát triển con người (HDI) của quốc gia được duy trì trên mức 0,7 trong giai đoạn 2021-2030; có cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng trong top 100 khu vực châu Á…

6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung phát triển đội ngũ trí thức

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung áp dụng cho tất cả các nhóm trí thức và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng áp dụng riêng cho một số nhóm trí thức đặc thù.

Nhóm 1: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý phát triển đội ngũ trí thức. Trong đó nhấn mạnh tới việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phát triển đội ngũ trí thức; gắn việc phát triển đội ngũ trí thức với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu phát triển của các ngành trong mỗi thời kỳ, giai đoạn cụ thể.

Nhóm 2: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.

Nhóm 3: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tạo lập môi trường làm việc, các điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức. Trong đó nhấn mạnh tới việc tạo hành lang pháp lý để đội ngũ trí thức gia tăng sự sáng tạo, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.

Nhóm 4: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng trí thức. 

Nhóm 5: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư tài chính và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đội ngũ trí thức.

Nhóm 6: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thông tin, số liệu phục vụ công tác giám sát, đánh giá tình hình phát triển đội ngũ trí thức.

Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp riêng phù hợp với điều kiện đặc thù về đặc điểm nghề nghiệp, môi trường làm việc của các nhóm trí thức là cán bộ, công chức; trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế; trí thức trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; trí thức trong lực lượng vũ trang, trí thức trong khu vực doanh nghiệp, tư nhân; trí thức hoạt động trong các hội, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài và trí thức trẻ.

Trong đó chú trọng tới các giải pháp để phát triển đồng bộ đội ngũ trí thức trong từng nhóm; đề xuất các chính sách phát triển, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng môi trường làm việc đặc thù của từng nhóm để giải quyết những nút thắt ảnh hưởng tới sự phát triển của từng nhóm trí thức.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.

Minh Hiển